Nguồn vốn này, cùng với khoản đóng góp 2 triệu USD từ Quỹ Nhật Bản vì châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng và thích ứng do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, sẽ hỗ trợ một dự án Hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu mở rộng tài chính khí hậu và bao trùm ở Việt Nam.

Công nghệ tài chính là trung tâm trong các kế hoạch của Chính phủ nhằm mở rộng các dịch vụ tài chính tới người tiêu dùng và DNNVV. Hỗ trợ kỹ thuật này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng cường khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, xây dựng năng lực của Chính phủ và các bên liên quan và hỗ trợ các tổ chức tài chính phát triển ngân hàng số.

Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, ông Winfried Wicklein, phát biểu: “Các tổ chức tài chính chủ yếu dựa vào những quyết định tín dụng trên cơ sở tài sản thế chấp. Điều này gây bất lợi cho các DNNVV, vốn thường chỉ có rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Các ngân hàng cũng thường tập trung hóa các quy trình tín dụng, khiến việc xử lý các khoản vay nhỏ hơn trở nên tốn kém hơn. Hỗ trợ kỹ thuật này có thể giúp tìm ra những giải pháp như chấm điểm tín dụng thay thế và áp dụng hình thức cho vay số hóa.”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Gần 80% dân số Việt Nam không có hoặc chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Doanh nghiệp siêu nhỏ và DNNVV đặc biệt bị ảnh hưởng, với nhu cầu tài chính không được đáp ứng ước tính là 500 nghìn tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD). DNNVV do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Ước tính các doanh nhân nữ ở Việt Nam có khoảng 1,2 tỷ USD, nhưng chỉ có rất ít ngân hàng đã tiến hành những biện pháp chủ động để theo đuổi cơ hội thị trường này.

Hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của phụ nữ, bao gồm thông qua việc cung cấp các cơ hội đào tạo về công nghệ tài chính và các thực tiễn tốt nhất về ngân hàng xanh cho cán bộ của NHNN, với mục tiêu đạt tỷ lệ tham gia của phụ nữ là 25%, cũng như dịch vụ tư vấn cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo về việc chuẩn bị hồ sơ vay vốn xanh.

Hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ giúp NHNN hoàn thiện các chính sách về ngân hàng xanh và thông tin về các chính sách này tới các bên liên quan trong lĩnh vực tài chính. Ngân hàng xanh dự kiến sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tài trợ hàng năm là 11 tỷ USD để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trưởng ban Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Thống đốc Thụy Sĩ tại ADB, ông Dominique Paravicini, phát biểu: “Bằng cách tăng cường môi trường pháp lý cho các giải pháp công nghệ tài chính sáng tạo và xây dựng năng lực của các bên tham gia thị trường trong lĩnh vực tài chính số, Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính. Cuối cùng, điều này sẽ giúp các DNNVV ở Việt Nam tiếp cận tài chính tốt hơn và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.”

Có trụ sở tại Bern, SECO là trung tâm chuyên môn của Liên bang Thụy Sĩ cho tất cả các vấn đề chính sách kinh tế then chốt, gồm cả hợp tác kinh tế và phát triển. Cơ quan này thực hiện các biện pháp chính sách kinh tế và thương mại của Thụy Sĩ vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển. Sứ mệnh của SECO là tạo thuận lợi cho quá trình tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng bền vững ở các quốc gia đối tác của tổ chức này.

Minh Anh