
Việc điều chỉnh này được xem là bước thay thế quan trọng cho phương án đặt tên theo số thứ tự, vốn từng gây nhiều ý kiến trái chiều trước đó.
Với tinh thần cầu thị và lắng nghe ý kiến nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo bỏ phương án đánh số thứ tự cho các đơn vị hành chính, thay vào đó là khôi phục những tên gọi gắn liền với lịch sử và văn hóa truyền thống của địa phương. Theo nghị quyết vừa được thông qua, các xã, phường sẽ có sự điều chỉnh tên như sau:
Xã Bình Xuyên đổi tên thành xã Bình Nguyên, Bình Xuyên 1 thành Xuân Lãng, Bình Xuyên 2 giữ tên Bình Xuyên, Bình Xuyên 3 thành Bình Tuyền.
Xã Sông Lô đổi tên thành Tam Sơn, Sông Lô 1 thành Sông Lô, Sông Lô 2 thành Hải Lựu, Sông Lô 3 thành Yên Lãng.
Lập Thạch 1 thành Tiên Lữ, Lập Thạch 2 thành Thái Hòa, Lập Thạch 3 thành Liên Hòa, Lập Thạch 4 thành Hợp Lý.
Tam Đảo 1 thành Đại Đình, Tam Đảo 2 thành Đạo Trù.
Tam Dương 1 thành Hội Thịnh, Tam Dương 2 thành Hoàng An, Tam Dương 3 thành Tam Dương Bắc.
Vĩnh Tường 1 thành Vĩnh Hưng, Vĩnh Tường 2 thành Vĩnh An, Vĩnh Tường 3 thành Vĩnh Phú, Vĩnh Tường 4 thành Vĩnh Thành.
Yên Lạc 1 thành Liên Châu, Yên Lạc 2 thành Tam Hồng, Yên Lạc 3 thành Nguyệt Đức.
Phường Phúc Yên 1 đổi tên thành phường Xuân Hòa.
Trước đó, theo Nghị quyết 43 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, toàn tỉnh dự kiến sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện có thành 36 đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm 32 xã, 4 phường). Trong số này, có 13 đơn vị được đặt tên theo yếu tố lịch sử, văn hóa địa phương; 23 đơn vị còn lại tạm thời được đánh số thứ tự. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến nhân dân, phần lớn đều mong muốn giữ lại những tên gọi truyền thống thay vì sử dụng cách đặt tên phi địa danh, phi văn hóa.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất thông qua dự thảo nghị quyết về việc hợp nhất ba tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ để thành lập tỉnh mới mang tên Phú Thọ. Đây là nội dung nằm trong đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ban Chấp hành giao Đảng đoàn UBND tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện đề án, trình HĐND tỉnh thông qua, đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh liên quan để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định. Song song, các cơ quan chức năng được yêu cầu rà soát tổng thể trụ sở, cơ sở vật chất hành chính để có phương án xử lý, sắp xếp hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực.
Về công tác tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ và Hòa Bình để thống nhất phương án sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp sau khi đề án được thông qua.
Hà Trần (t/h)