Thanh Hoá đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa,
Thanh Hoá đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa.

Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 388 chợ, 28 siêu thị, 02 trung tâm thương mại và gần 30.000 cửa hàng quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống.

Dự báo, đến năm 2025 thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức của các nhà bán lẻ nội địa trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa hiện nay là nguồn vốn, mặt bằng kinh doanh và nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp này đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn kinh doanh, thuê mua mặt bằng và đào tạo nhân lực.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng trong việc chủ động nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực theo hướng hoàn thiện kỹ năng, phục vụ chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ (giao hàng, thanh toán, hậu mãi…).

Thực tế, doanh nghiệp bán lẻ trong nước có lợi thế không thể phủ nhận đó là am hiểu văn hóa, thị hiếu của người Việt. Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng sẽ giúp tăng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối.

Đây chính là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp nội địa nâng cao vị thế và tận dụng lợi thế sân nhà.

Vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp bán lẻ nội địa chính là bài toán dài hạn của chính các doanh nghiệp; đồng thời, đòi hỏi sự phối hợp, chung sức của cả hệ thống chính trị và ngành công thương.

Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương Thanh Hoá đã có những định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh; có giải pháp quản lý thị trường, chống hàng nhái, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Hoài Thu