Một con người đam mê nghiên cứu khoa học.

Alexandre Yersin sinh năm 1863, người Thụy Sĩ, quốc tịch Pháp, ông mồ côi cha từ trong bụng mẹ. Năm 1882, nhận bằng tú tài văn khoa và năm 1888 sau khi tốt nghiệp trường y Pari, ông chính thức nhập quốc tịch Pháp. Cũng trong thời gian này, ông tham gia vào nhóm nghiên cứu của bác sĩ Luis Pasteur. Sau đó ông trở nên nổi tiếng qua nhiều công trình tiên phong do nhóm nghiên cứu của bác sĩ Luis Pasteur tiến hành. Suốt cuộc đời, ông dành cho nghiên cứu khoa học. Tuổi trẻ của Alexandre Yersin đã có thành công vang dội đầu tiên với việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pari năm 1888, đề tài ngành y khoa: “Nghiên cứu sự phát triển chứng nhiếm trùng huyết của bệnh lao thực nghiệm” được Đại học y khoa Pari tặng huy chương đồng, lúc ấy ông mới 25 tuổi. Sau đó, Alexandre Yersin tìm ra độc tố của vi trùng bệnh bạch hầu, thành công đó đã làm tên tuổi của Alexandre Yersin thêm lừng lẫy.

Năm 1894, sau nhiều kỳ công nghiên cứu tìm tòi thí nghiệm, Alexandre Yersin đã tìm ra vi trùng dịch hạch, nghiên cứu bào chế thuốc điều trị và phòng bệnh dịch hạch được Chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Đến năm 1896 lúc bệnh dịch hạch tái phát tràn lan ở Trung Quốc, Hồng Công, Quảng Đông…và 80% người bệnh được cứu sống nhờ loại thuốc của bác sĩ Alexandre Yersin bào chế. Bệnh dịch hạch đã giết chết trên 50 triệu người trên thế giới, từ đó không còn là bệnh nan y. Tại Hội nghị vi sinh vất thế giới lần thứ 10 năm 1970 đã quyết định cho vi khuẩn dich hạch mang tên người khám phá ra nó Yersinia Pestis.

Alexandre Yersin: Dấu ấn đẹp của nhà khoa học tài ba tại Việt Nam - Hình 1

Chân dung bác sĩ Alexandre Yersin 

Nhân loại mang ơn bác sĩ Alexandre Yersin về bệnh dịch hạch, cũng như mang ơn nhà bác học Luis Pasteur về bệnh chó dại. Năm 1902, Alexandre Yersin làm hiệu trưởng đầu tiên trường thuốc Hà Nội nay là đại học y  Hà Nội. Ông là Giám đốc viện Pasteur Đông Dương, gồm cả viện Pasteur Nha Trang và viện Pasteur Sài Gòn. Kế thừa thành tựu của ông, ngày nay, các viện Pasteur Việt Nam vẫn đang phát huy hiệu quả việc phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Alexandre Yersin còn say mê nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực. Ngoài y học, ông còn thành công trong việc nghiên cứu trên các lĩnh vực khác như: Sinh học, Nông học, Thiên văn học, Vật lý. Ông đã đưa vào trồng và thử nghiệm thành công cây cao su ở Việt Nam, cây Canhkyna ở Hòn Bà, Dran, ở cao nguyên Lang Biang để bào chế thuốc chữa bệnh sốt rét rất hiệu quả. Ông còn nuôi các loại gia súc đặc biệt là ngựa để lấy nguyên liệu sản xuất Vacxin phòng bệnh dịch hạch.

Mối lương duyên với vùng đất Nha Trang

Bên cạnh niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Alexandre Yersin cón có sở thích khám phá những miền đất lạ. Năm 1890, ông đến Đông Dương và chuyến đi định mệnh này đã đưa ông đến Việt Nam và viết ra những trang sử mới trong cuộc đời của ông ở hai vùng đất Nha Trang và Đà Lạt.

Lần đầu tiên, mặc dù thấy Nha Trang ở đằng xa, Alexandre Yersin đã bị chinh phục. Ông ghi trong sổ nhật ký ngày 06/5/1891: “Rời Sài Gòn  phải mất 28 tiếng đồng hồ mới tới Nha Trang, tầu phải neo cách bờ một dặm, và chỉ đậu lại một giờ, vì thế không lên được bờ. Thật đáng tiếc vì vùng này có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục. Trong rừng đầy cọp v.v…”. Lần sau, Alexandre Yersin xin phép lến bờ với chiếc thuyền độc mộc mà ông đem theo. Đó là ngày 28/7/1891, phong cảnh hữu tình, bờ biển, của sông, các đảo ngoài khơi, màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, khí hậu ôn hòa đã chinh phục được bác sĩ Alexandre Yersin. Ông quyết định chọn Nha Trang làm quê hương thứ ba làm việc và sống chết tại đây. Bác sĩ Alexandre Yersin sống đơn giản ở Nha Trang. Ông được người dân địa phương yêu mến vì đức khiêm tốn và sự chăm sóc mà ông dành cho mọi người. Alexandre Yersin sống chung với người dân nghèo chài lưới và đã chọn một cái lô cốt hai tầng lầu bỏ hoang gần xóm Cồn và cửa sông Cái. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, quyển XI về Khánh Hòa, đó là một đồn biên phòng rất lâu đời.

Tại Nha Trang Alexandre Yersin đã xây dựng nên viện Pasteur mang tên người thầy của ông. Kể từ đó phần lớn thời gian của ông ở trong phòng thí nghiệm trong viện Pasteur, ở xóm Cồn, ở Suối Dầu. Ông có nhiều thời gian gần gũi với người xung quanh mình. Ông yêu mến trẻ con, giúp đỡ người già đau yếu, hướng dẫn cho mọi người ăn ở vệ sinh. Ông còn quan tâm đến đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân địa phương. Thỉnh thoảng ông chiếu phim tại sân nhà cho nhân dân xem những phim tài liệu về thế giới, khoa học… Nhờ vậy mà người dân hiểu biết thêm về nhiều mặt.

Alexandre Yersin: Dấu ấn đẹp của nhà khoa học tài ba tại Việt Nam - Hình 2

Mộ bác sĩ Alexandre Yersin tại Suối Dầu (Diên Khánh – Khánh Hòa)  

Người dân thường gọi ông bằng tên gọi thân mật là ông Năm và xem ông là ân nhân, là vị thần hộ mệnh qua các công việc ông làm cho mọi người như: Bác sĩ chẩn trị, dược sĩ bán thuốc, nhà từ thiện, nhà giáo dục, người chở che nên khi ông mất họ bỏ đi biển, thương khóc, chịu tang, đi viếng, tiễn đưa đông đảo. Có nhiều người lập bàn thờ dâng ông những nén hương theo phong tục của người Việt Nam. Vùng đất này đã gắn liền với phần lớn cuộc đời ông. Trước khi chút hơi thở cuối cùng, ông đã để lại di chúc: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”.

Và những đấu ấn đậm nét tại xứ sở thông reo.

Người dân Nha Trang nhớ đến công lao của Alexandre Yersin với những tình cảm và tâm huyết ông đã dành cho nơi này, thế nhưng tên tuổi của ông cũng gắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố cao nguyên Đà Lạt. Alexandre Yersin chính là người đầu tiên phát hiện ra cao nguyên Lang Biang tức là thành phố Đà Lạt ngày nay. Trong chuyến thám hiểm đầy khó khăn, gian khổ kéo dài trong 7 tháng này, Alexandre Yersin đã vượt qua các chặng đường từ Sài Gòn đi Phan Thiết, băng qua vùng núi hiểm trở Tánh Linh, Phan Rí, Phan Rang… để rồi dừng chân ở mảnh đất Đà Lạt. Vào ngày 21 tháng 6 năm 1893, ông đã đặt chân đến đỉnh núi Lang Biang. Trong nhật ký hành trình ông chỉ viết vắn tắt: “Cao nguyên lớn trơ chụi, gò đồi nhấp nhô” và đây được xem như mốc thời gian chính thức việc Alexandre Yersin phát hiện ra cao nguyên Lang Biang tức là thành phố Đà Lạt.

Alexandre Yersin: Dấu ấn đẹp của nhà khoa học tài ba tại Việt Nam - Hình 3

Một góc trường Lycée Yersin trước đây - ngôi trường được đặt tên để ghi nhớ công ơn của bác sĩ Yersin đã tìm ra Đà Lạt

Sau đó ông đã đề xuất với toàn quyền Đông Dương Paul Dumer chọn nơi này làm điểm xây dựng trạm điều dưỡng và đến năm 1899 toàn quyền Đông Dương đã xây dựng trạm nghỉ mát - điều dưỡng tại đây. Từ đó đến nay Đà Lạt đã trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển. Thành phố Đà Lạt hình thành và phát triển đã có nhiều công trình mang tên bác sĩ Alexandre Yersin như: Trường Trung học Lycée Yersin thành lập tháng 6 năm 1935 (nay là Trường Cao Đẳng sư phạm Đà Lạt), trường Đại học Yersin thành lập tháng 10 năm 2004, Trường Trung học Yersin thành lập tháng 12 năm 2005, có đường phố và công viên mang tên Yersin… Đó cũng là sự ghi nhận công lao của Nhà Khoa học, Bác sĩ Yersin đối với Đà Lạt.

Alexandre Yersin đã cống hiến chọn đời cho khoa học và đất nước Việt Nam. 57 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, Alexandre Yersin đã nghiên cứu thành công 55 công trình khoa học, gồm 40 công trình về y học (Trong đó có 13 công trình chuyên nghiên cứu về bệnh dịch hạch), 10 công trình nghiên cứu về lĩnh vực sinh học, nông học (trong đó có 5 công trình nghiên cứu việc trồng và bào chế cây Canhkyna chữa bệnh sốt rét)...  Tên tuổi của ông đã gắn liền với đất nước Việt Nam nói chung và Nha Trang – Đà Lạt nói riêng. Gần 50 năm sống ở Việt Nam, Alexandre Yersin đã dành tất cả những tâm huyết và tình cảm cho những con người gần gũi nơi ông sống.

Lê Khắc Niên