Đó là ý tưởng được đưa ra trong các buổi xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với các đơn vị trong Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ vừa tổ chức tại thành phố Hyderabad, trung tâm dược phẩm của Ấn Độ.
Tại buổi xúc tiến, trao đổi với các địa phương, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, việc xây dựng các công viên dược phẩm sẽ hình thành các trung tâm đón chào các “đại bàng” dược lớn đến đầu tư, sản xuất lâu dài. Từ đó, giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào các nguồn cung dược phẩm truyền thống đồng thời đa dạng hóa các chuỗi sản xuất, kéo các tập đoàn dược phẩm lớn tới đầu tư, sản xuất ở trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS (đơn vị muốn hợp tác phát triển Công viên dược phẩm) cho rằng, công viên dược phẩm này nếu thành công, có thể coi là “đòn bẩy chiến lược” để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới. Các khu công nghiệp chuyên biệt này sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, công viên dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Sự kiện này cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương, đại diện các khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam. Lãnh đạo các tỉnh Đà Nẵng, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên... đã trực tiếp tham dự trình bày, trao đổi trực tiếp với các đầu tư Ấn Độ về các yêu cầu của nhà đầu tư về diện tích đất, vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, cơ chế ưu đãi đầu tư...
Với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành trung tâm dược phẩm hàng đầu thế giới, ngay từ những năm 1990 của thế kỷ 20, Ấn Độ đã nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp, công viên dược phẩm để quy tụ các doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ và thế giới tập trung sản xuất tại các khu chuyên biệt.
Trung tâm dược phẩm đầu tiên được thành lập bang Andhra Pradesh, phía Nam Ấn Độ năm 1999, đến nay đã thu hút được hơn 200 doanh nghiệp lớn tham gia thành lập trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, vắc xin như Alembic Pharma, Bharat Biotech, Biological E, Laxai Avanti, Aurobindo Pharma, Laurus Labs, Sun Pharma…
Với thế mạnh cơ bản về nguồn nhân lực khoa học công nghệ lớn và năng lực nghiên cứu - phát triển (R&D) đã giúp ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đóng góp lớn vào hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu.
Phát triển khu công nghiệp dược phẩm chuyên biệt là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp Ấn Độ, đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất thuốc lớn thứ 3 thế giới. Các công ty dược phẩm của Ấn Độ ngày nay là một trong những công ty cạnh tranh nhất trong lĩnh vực thuốc gốc và vắc xin trên thế giới, ngay cả tại các quốc gia phát triển.
Theo số liệu của IBEF, Ấn Độ cung cấp hơn 60% các loại vắc xin khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu trên thế giới. Hơn 40% nhu cầu thuốc gốc ở Hoa Kỳ và 25% ở Anh là do Ấn Độ cung cấp. Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm của Ấn Độ.
Tổng quy mô của ngành dược phẩm Ấn Độ ước tính vào khoảng 43 tỷ USD vào năm 2019 và có khả năng đạt 55 tỷ USD năm 2022. Hiện ngành này bao gồm 3.000 công ty dược phẩm và 10.500 đơn vị sản xuất, với số lượng các nhà máy đạt tiêu chuẩn của US-FDA nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ lớn nhất.
Anh Minh