Năm 2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1.445 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái, năm 2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1.445 tỷ đồng, diện tích đất đăng ký trên 36 ha, nâng tổng số dự án tại các khu công nghiệp của tỉnh lên 62 dự án đầu tư. Trong đó, 57 dự án DDI và 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 11.828 tỷ đồng, tổng diện tích đăng ký 345 ha.
Cụ thể: Khu Công nghiệp phía Nam có 52 dự án đầu tư với tổng vốn 9.484 tỷ đồng, diện tích đăng ký 292 ha; Khu Công nghiệp Minh Quân có 4 dự án đầu tư với tổng vốn 1.672 tỷ đồng, diện tích đăng ký 24 ha; Khu Công nghiệp Âu Lâu có 6 dự án đầu tư với tổng vốn 672 tỷ đồng.
Mặc dù năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng kết thúc năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt 3.295,6 tỷ đồng, tăng 3,38% so với cùng kỳ năm 2019; tổng giá trị xuất khẩu đạt 36.703.628 USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, chưa thu hút được những nhà đầu tư có chất lượng và quy mô dự án lớn; cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện, thiếu mặt bằng sạch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI; đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, UBND tỉnh đã xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh cũng ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo hướng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng; hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.
Đồng thời, chú trọng xây dựng các khu công nghiệp mới, bám sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như Khu Công nghiệp Y Can - Minh Tiến, huyện Trấn Yên; Khu Công nghiệp Tân Hợp, huyện Văn Yên.
Cùng đó, tăng cường liên kết ngành trong phát triển các khu công nghiệp; hình thành các khu công nghiệp liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động; dần hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh.
Tỉnh cũng nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để xây dựng môi trường kinh doanh công khai minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh.
Trong số 26 thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, 7 thủ tục hành chính được rút ngắn về thời gian thực hiện với tổng thời gian được rút ngắn là 48 ngày.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp để cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước triển khai đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp trên địa bàn; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế và giá trị tăng cao, ít tác động đến môi trường sinh thái; hạn chế các dự án có quy mô nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, thường xuyên giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện dự án cũng như quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện những sai phạm, những khó khăn vướng mắc để có biện pháp xử lý và hỗ trợ, tạo niềm tin và sự hài lòng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh và tạo hiệu ứng tan tỏa tích cực trong việc kêu gọi các nhà đầu tư mới.
PV