THCL Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, tồn tại lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay đó chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Điều này đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý ngành chăn nuôi.

Thừa nông sản “bẩn”, thiếu nông sản sạch

Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho người dân. Đây cũng là ngành kinh tế giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Dương cho rằng, cùng với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Vấn đề quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bước đầu đạt được kết quả quan trọng.

So cùng kỳ năm 2015, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt của cả nước đạt gần 3,65 triệu tấn (tăng 5,3%), tổng sản lượng sữa tươi là 492.700 tấn (tăng 9%), sản lượng trứng các loại đạt 6,62 tỷ quả (tăng 5,5%).

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng cao, nhiều công ty, tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh mẽ. Tổ chức sản xuất chăn nuôi được triển khai có nhiều tín hiệu tích cực và đã hình thành nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến thị trường.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đã gặp phải nhiều khó khăn như rớt giá, bệnh dịch. Việc sử dụng chất cấm, kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng ngày càng tăng sẽ gây khó khăn cho những nhà chăn nuôi chân chính. Người tiêu dùng sẽ e ngại khi sử dụng các sản phẩm từ thịt và thiệt hại cuối cùng thuộc về người chăn nuôi, nhiều người chăn nuôi đã bị thua lỗ nặng phải bỏ nghề.

Theo ông Dương, tồn tại lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay đó chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Chúng ta đang thừa nông sản mất vệ sinh, nhưng thiếu nông sản sạch, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi.

Cần thay đổi tư duy trong chăn nuôi

“Nếu chúng ta không có sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn thì nguy cơ sẽ khó cạnh tranh để xuất khẩu, thậm chí mất đi thị trường trong nước. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, nếu sản phẩm vẫn còn chất cấm, kháng sinh thì chúng ta rất khó cạnh tranh và nguy cơ thua trên sân nhà là rất lớn.

Do đó, trong thời gian tới, các đơn vị cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ công tác thanh kiểm tra để phát hiện xử lý các cơ sở vi phạm đồng thời hướng dẫn cho người chăn nuôi phát triển các mô hình chăn nuôi theo chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cục Chăn nuôi cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới sau vấn đề chất cấm thì sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chất kháng sinh và đảm bảo an toàn vệ sinh trong khâu giết mổ”, ông Dương nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng để giải cứu ngành chăn nuôi, để giảm lỗ, người chăn nuôi phải nỗ lực giảm chi phí và tăng năng suất chăn nuôi. Muốn vậy, người nuôi phải thay đổi tư duy sản xuất từ đối phó sang phòng ngừa trong vấn đề chuồng trại, con giống, dinh dưỡng, thú y, vệ sinh an toàn sinh học và quản lý.

Để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững, theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cần phải hướng đến xuất khẩu thịt. Muốn vậy, ngành chăn nuôi cần phải hội đủ 3 điều kiện: Giá bán thịt của Việt Nam phải bằng hoặc thấp hơn so với nước chúng ta muốn xuất; chất lượng phải đảm bảo tốt và kiên định (không có chất cấm, không dư thừa kháng sinh trong thịt); nghiên cứu được thị trường nào xuất đi được và có tính ổn định, lâu dài.

Nói cách khác, ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải có một chiến lược cụ thể và khả thi ngay từ bây giờ để nâng cao sức cạnh tranh, cũng như đối phó với những thách thức trong hội nhập. Chúng ta phải sớm thiết lập những trại sản xuất giống để cho ra sản phẩm có chất lượng cao, thể trạng tốt với một chương trình đào tạo huấn luyện về phương thức lai tạo và chăn nuôi mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam, hiện đại dựa theo tiêu chuẩn các nước có ngành chăn nuôi đã được phát triển lâu đời như Canada, Mỹ, các nước châu Âu…

Hoan Nguyễn