Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: “Bằng việc lấy năm 2015 là năm an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi hạ quyết tâm trong năm nay - sẽ điều chỉnh cách làm và làm quyết liệt để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát
Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay?
Những năm gần đây, dường như lực lượng chức năng mới tập trung mạnh kiểm soát về chất lượng vật tư nông nghiệp hơn là an toàn vệ sinh thực phẩm. Và dù đã từng bước kiểm soát tốt về mặt chất lượng, lĩnh vực vật tư nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết rốt ráo như thuốc giả, thuốc kém chất lượng… Ngay cả với thuốc thật, thuốc tốt thì vẫn có tình trạng người dân lạm dụng khi sử dùng, dẫn tới nhiều loại thực phẩm có dư lượng tồn dư vượt mức cho phép.
Thực tế, có những nơi, nông dân thường trồng một luống rau cho gia đình, người thân mình ăn, còn rau bán thì lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong chăn nuôi cũng vậy, các hộ dân đang lạm dụng các thứ chất cấm, kháng sinh nhằm tăng trọng, tạo nạc, tích nước… cho vật nuôi. Những phân tích gần đây cho thấy rõ điều đó. Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, tỷ lệ mẫu giám sát phát hiện không đạt an toàn thực phẩm còn cao (6,8% mẫu thịt phát hiện nhiễm tồn dư hóa chất cấm, hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng; 5,43% mẫu rau phát hiện thuốc bảo vệ thực vậtvượt ngưỡng; 1,21% mẫu thủy sản tồn dư hóa chất cấm, hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng…).
Từ thực tế nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những biện pháp gì nhằm ngăn chặn?
Đây chính là điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi. Tôi có đề xuất lấy năm 2015 là năm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi đã báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các địa phương, đều nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao. Ngày nay, chúng ta đã bảo đảm được việc cung cấp về mặt số lượng các loại lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Song, người tiêu dùng ở trong nước đang quan tâm chủ yếu vào chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong những năm qua, chúng tôi cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, theo đánh giá chung tình hình chưa được cải thiện như mong đợi của nhân dân. Vì thế, bằng việc lấy năm 2015 là năm an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi hạ quyết tâm trong năm nay sẽ điều chỉnh cách làm và làm quyết liệt để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.
Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để người dân có thể nhận thấy sự thay đổi rõ ràng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong năm 2015?
Người tiêu dùng đang quan tâm chủ yếu vào chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm
Các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều, nhưng có mấy chỉ tiêu quan trọng sau: Thứ nhất, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các loại nông sản - vấn đề nhân dân quan tâm nhất hiện nay là trong rau, trái cây, chè…, tức là những nông sản tiêu dùng trực tiếp; thứ hai, đối với sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, có vấn đề về tồn dư chất cấm và kháng sinh trong thịt và trong thủy sản và vấn đề về nhiễm vi sinh, nấm mốc đối với sản phẩm chăn nuôi.
Hiện nay, qua xét nghiệm thấy rằng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vào khoảng 5-6%, nhưng có những loại rau cao hơn. Vì thế, chúng tôi sẽ có những hành động quyết liệt để giảm tỷ lệ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép ở trong nông sản nói chung và đặc biệt là ở trong rau, trái cây, chè.
Dư lượng có liên quan chủ yếu đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người trồng rau, trái cây cũng như người bảo quản, buôn bán, chủ yếu trong khâu trồng trọt. Vì thế, chúng tôi chủ trương trong năm 2015 sẽ xây dựng và triển khai trở lại chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (Chương trình IBM), đồng thời, tiếp tục gia tăng kiểm soát.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu về một đề xuất thay đổi hệ thống tổ chức. Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (trực thuộc Bộ) là cơ quan điều phối chung, còn Cục Bảo vệ thực vật giám sát nông sản cụ thể (có ý kiến cho rằng, Cục vừa hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc, đồng thời đi giám sát nên chưa phù hợp). Theo đề xuất của Liên minh Châu Âu, có thể chúng tôi sẽ điều chỉnh lại về chức năng, nhiệm vụ để phát huy cao hơn 2 hệ thống: hệ thống bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân sử dụng đúng hơn thông qua Chương trình IBM, còn hệ thống quản lý chất lượng sẽ tăng cường giám sát.
Ở Hà Nội, trước đây, lực lượng chức năng đã đến các quầy bán rau ở chợ - nơi có đăng ký bán rau, lấy mẫu kiểm tra. Khi có kết quả thì rau đã bán hết và người bán rau nói rằng, họ lấy rau từ nhiều nguồn nên không xử lý được. Do đó, lực lượng chức năng gặp bế tắc. Vì thế, các cục chức năng cần rà soát lại văn bản để bổ sung quy định để làm sao khi phát hiện ra rau bán tại quầy vượt dư lượng sẽ xử lý phạt. Lần thứ hai tái diễn vi phạm thì gia tăng mức phạt tiền và áp dụng các biện pháp phạt bổ sung. Lần thứ ba tái diễn, sẽ đóng cửa. Trong quá trình xử lý, nếu chủ quầy bán rau hợp tác truy xuất ra nguồn gốc lô hàng rau bẩn thì xử lý luôn. Với cách làm, cách tiếp cận như vậy, chúng ta mới thiết lập được một chuỗi cung ứng rau an toàn.
Đối với vấn đề kháng sinh và chất cấm, chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành chăn nuôi và thú y thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất, tăng cường giám sát tại các địa phương - phấn đấu không còn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thủy sản để không có dư lượng trong sản phẩm.
Mục tiêu là số 0 chứ không phải là “có ít”. Đây là những chất rất nguy hiểm nên chúng ta buộc phải cấm. Về kháng sinh, hiện nay một số trường hợp phát hiện có dư lượng kháng sinh trong thịt và trong tôm, cá tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Bộ đã có văn bản chỉ đạo và sẽ có giải pháp quyết liệt, bao gồm cả kiểm soát về chất lượng thức ăn chăn nuôi,cũng như giám sát sử dụng thuốc. Thực tế, có tình trạng các công ty thức ăn chăn nuôi, kể cả cho gia súc, gia cầm, thủy sản không trộn kháng sinh vào, nhưng người nuôi tự trộn vào và cuối cùng dẫn đến có dư lượng. Đây là việc khó khăn, nhưng tôi tin rằng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, chúng ta vẫn có thể tạo được sự chuyển biến.
Chúng tôi rất kỳ vọng vào sự hợp tác hiện nay - do Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và đang chỉ đạo phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, công thương, Hội Nông dân Việt Nam và các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ vào cuộc, giám sát việc buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp, sẽ giúp chúng tôi phát hiện tận gốc và chấn chỉnh tình trạng này.
Đối với giết mổ, đây là vấn đề phức tạp, Thủ tướng chỉ đạo nhiều năm nhưng sự chuyển biến còn chậm. Vừa qua,Bộ đã có đề án, nhưng theo tôi, dùng nguyên các biện pháp hành chính thôi thì không đủ. Năm 2015, chúng tôi dự kiến sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách vừa khuyến khích phát triển cách giết mổ bảo đảm hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm (trong nước đã có nhiều mô hình). Tin rằng, với những chính sách mới - sẽ tạo ra động lực tốt hơn để phát triển lĩnh vực này.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hà thu (Thực hiện)