Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, từ tháng 3/2020 đến nay khi dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Nam và Đà Nẵng là 2 điểm đến bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không còn khả năng duy trì, tồn tại; doanh nghiệp lớn chỉ giữ lại rất ít lao động chủ chốt, tuy nhiên về lâu dài cũng rất khó khăn. Thậm chí đã có doanh nghiệp hoàn toàn đóng cửa.
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ chưa thực sự khả thi khiến doanh nghiệp càng thêm khốn đốn.
Doanh nghiệp du lịch Quảng Nam kiệt quệ vì dịch Covid-19
Trước tình hình trên, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam kiến nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ 5 nhóm vấn đề: Hỗ trợ người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động sau ngày 1/4 đến 30/6/2020; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động trong gói 62 nghìn tỷ đồng; giảm thuế VAT, thuế doanh thu, tiền thuế đất và thuê nhà thầu; các chính sách ngân hàng về khoanh nợ, hạ lãi suất; hỗ trợ đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động ngành du lịch hậu Covid-19.
Riêng với người sử dụng lao động, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho nhân viên.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam dù đã cố gắng huy động nguồn vốn để trả lương người lao động, nhưng do dịch bệnh kéo dài nên tài chính cũng dần kiệt quệ. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ gấp rút từ Nhà nước, doanh nghiệp sẽ khó bám trụ, đứng vững để tái sản xuất khi dịch bệnh kết thúc.
PV