THCL Trước diễn biến KT-XH 6 tháng đầu năm, các chuyên gia cho rằng thay vì hạ mục tiêu tăng trưởng, thay vì cứ “nói suông” thì các bộ, ban, ngành phải bắt tay vào hành động, lấy DN làm đối tượng phục vụ.
Nền tảng còn yếu
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Quý II chứng kiến bước chuyển giao đầu tiên của bộ máy Chính phủ, bước đầu Chính phủ đã đưa ra một loạt thông điệp với các chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Cung chỉ ra rằng, thực tế DNNN hoạt động vẫn kém hiệu quả, khu vực tư nhân còn yếu, chưa thực sự hứng khởi kinh doanh. Kinh tế vĩ mô nhìn có vẻ ổn, nhưng nền tảng rất yếu.
“Tôi băn khoăn, suy nghĩ vì nhiều chỉ tiêu cải cách môi trường kinh doanh trong NQ 19 đang dậm chân tại chỗ. Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đã hết dư địa. NQ 35 về hỗ trợ, thúc đẩy DN giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành, nhưng tinh thần đó đến các bộ chưa? Tôi nghĩ là chưa. Các bộ trưởng chưa thực sự chuyển từ Nhà nước kiểm soát, quản lý sang Nhà nước kiến tạo, phát triển”, ông Cung thẳng thắn.
GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái
Theo GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái thì, tình hình kinh tế thế giới biến động làm cho phát hành trái phiếu quốc tế cũng chậm lại. Trong nước, tín hiệu cải cách còn yếu. Cần làm rõ việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế tiến hành trong 5 năm vừa qua.
“3/4 số thành viên Chính phủ là người mới, liệu có nắm được quân sỹ ngay không để tạo động lực cải cách? Rõ ràng là có những khó khăn”, ông Thái nhận định.
TS. Lê Đăng Doanh
Nhìn từ góc độ khác, TS. Lê Đăng Doanh cho hay, tình kình kinh tế thế giới diễn biến khó lường, bất lợi, khó dự đoán. Đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Sau khi có phán quyết về biển Đông, Trung Quốc đã hạn chế NK thịt heo, thủy sản của Việt Nam, điều này buộc nước ta phải vươn lên tìm đối tác mới.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ mới, nhưng ông Doanh bày tỏ sự lo ngại trước thách thức mà Chính phủ sẽ đối mặt khi tiếp nhận một nền kinh tế “có quá nhiều vấn đề, đó là chưa nói đến khó khăn về thiên tai”.
Trước mục tiêu GDP cả năm 2016 tăng 6,7%, phần lớn ý kiến chuyên gia bày tỏ sự lo ngại, bởi tăng trưởng theo xu hướng đi ngang, trong khi Chính phủ không thay đổi mục tiêu thì phải làm bằng cách nào?
Cơ hội cải cách đã có, cũng có 1,5 năm để bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm rào cản thị trường thì chỉ 3 tháng cuối cùng cấp tốc thực hiện và không có đủ thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề. Bên cạnh đó, còn kể tới bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn chung, tăng trưởng của các nước đều giảm sút, trong khi Việt Nam vẫn mong muốn phát triển ổn định, tăng trưởng đi lên là khó.
TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ: "Tôi suy nghĩ mãi, Chính phủ sao không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng? Nhưng tôi cho rằng, nếu Chính phủ không điều chỉnh lại hay. Điều chỉnh xuống mức 5,7% - 5,8% hay 6% để rồi cuối năm đạt được, các bộ, ngành ngồi vỗ tay với nhau lại “vui cả làng”. Còn nếu không điều chỉnh, cuối năm chúng ta sẽ có câu chuyện để mổ xẻ, tại sao không đạt được, nguyên nhân là chỗ nào, khách quan và chủ quan ra sao…? Chúng ta cần tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm giải pháp hơn là ngồi vỗ tay”.
Hành động thực sự
Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho cải cách, TS. Cung cho hay, cần tháo gỡ khó khăn cho môi trường kinh doanh để phát triển, chứ không phải tăng trưởng bằng gói hỗ trợ này, gói kích thích kia. Phải thay đổi về căn bản tạo động lực tăng trưởng lâu dài, chứ không thể giải quyết vấn đề theo vụ việc.
Khu vực DNNN, yêu cầu có một đầu mối quản lý, một ủy ban, một bộ, hay một DN quản lý vốn cho phù hợp. Cần nghiên cứu để có một chương trình cải cách trong 2 năm với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngân sách. Nếu không đồng bộ, cương quyết thì tình hình diễn biến bất ngờ, khó giải quyết.
“Những năm qua, lạm phát phần lớn là do chúng ta nay điều chỉnh tăng giá mặt hàng này, mai mặt hàng khác mà chưa thay đổi từ phía cung, để người dân được hưởng lợi nhiều hơn khi tăng giá. Điều chỉnh không thay đổi về phía cung, làm cho phía cung năng động hơn, đó mới là cải cách.
Chặt phải chặt tất, lỏng phải lỏng tất, không thể ưu đãi chỗ này bỏ chỗ kia vì sẽ tạo vị thế độc quyền. Thủ tướng, các phó thủ tướng khá đồng nhất về quan điểm cải cách, nhưng các bộ trưởng thì có người quyết tâm, có người chưa. Đến cấp vụ thì động lực cải cách lại rất khác”, TS. Cung nói.
TS. Lưu Bích Hồ
TS. Lưu Bích Hồ cũng đồng tình với ý kiến cần tiến hành chương trình 2 năm tập trung vào cải cách kinh tế vĩ mô. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nếu nhận định không đúng thì bốc thuốc không đúng tình hình. Từ trước đến nay, chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn để tăng GDP. 3 trụ cột đổi mới giờ rất chậm trễ. Phải tạo ra sự tăng trưởng lành mạnh, không nên chạy theo “mục tiêu” như hiện nay. Và vấn đề còn ở chỗ, chúng ta có thực sự hành động để cải cách hay không?
Đại diện Viện chiến lược NH cho rằng, có 2 công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô là NH và ngân sách, cả 2 đều có vấn đề trần nợ công. Chi cho đầu tư phát triển hiện chỉ còn khoảng 17%, nếu tiếp tục cơ cấu chi tiêu hiện nay thì không có ngân sách nào đáp ứng được. Nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, trong khi hiệu quả đầu tư công rất thấp khi Việt Nam có “những con đường đắt nhất hành tinh”!
Theo đó, cải thiện hiệu quả đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới. Không cải cách hiệu quả đầu tư công thì người dân không yên tâm đóng thuế để đầu tư như vậy.
Về chính sách tiền tệ, phía NHNN vẫn đặt mục tiêu không thể chủ quan với lạm phát. NHNN đang có mục tiêu không rõ ràng là kiềm chế lạm phát hay kích thích tăng trưởng. Một khi chưa xử lý triệt để 200.000 tỷ đồng nợ xấu thì tiền huy động của dân bị nhốt lại một phần trong nợ xấu tại VAMC, từ đó, buộc NH phải đẩy lãi suất cho vay lên và cũng khó mà giảm áp lực lãi suất. Cần đẩy nhanh việc bán DNNN để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Nên huy động vốn trực tiếp vào ngân sách, không nên qua SCIC nữa…
TS. Nguyễn Đình Cung: “Quan trọng vẫn là cải thiện môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực tư nhân để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Không thể mở rộng đầu tư, nới lỏng tài khóa trong bối cảnh hiện nay. Phải tạo được động lực nội sinh để bộ máy nhà nước đổi mới. Mắt xích quan trọng nhất hiện nay là các bộ trưởng, vì chính sách nằm ở các bộ”. GS. Nguyễn Quang Thái: “Không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng để về cơ bản đạt được kế hoạch, mà phải cải cách tối đa để tạo xung lực mới cho nền kinh tế. Ổn định vĩ mô có vấn đề lao động, việc làm. Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo ra động lực tăng trưởng mới”. TS. Lê Đăng Doanh: “Không thể xem thường diễn biến kinh tế hiện nay. Cần nghiên cứu để có một chương trình cải cách với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngân sách. Nếu không đồng bộ, cương quyết thì tình hình diễn biến bất ngờ, khó giải quyết. Thời điểm thể hiện trách nhiệm với đất nước, với đồng bào, dân tộc không thể chậm trễ được nữa”. TS. Lưu Bích Hồ: “Cách tiếp cận vấn đề phải thay đổi. Cái cần bây giờ là tăng năng suất lao động, tăng vốn hợp lý, phải huy động vốn từ khu vực tư nhân, chứ không phải từ Nhà nước. Phải thúc đẩy phát triển từ phía cung. Cần tập trung giải quyết các vướng mắc để tạo nền tảng tăng trưởng”. |
Đoàn Huế