Lợi nhuận sau thuế quý III/2023 âm 9,8 tỷ đồng

Công ty CP Fecon (Mã FCN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023.  Cụ thể, báo cáo tài chính quý III của Fecon cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 213,2 triệu đồng, giảm 71,55% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tại báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 là âm 9,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là âm 7,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ tiếp tục âm, nguyên nhân xuất phát từ lợi nhuận gộp giảm và chi phí lãi vay tăng.
Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tiếp tục âm, nguyên nhân xuất phát từ lợi nhuận gộp giảm và chi phí lãi vay tăng

Theo FCN, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 9,83 tỷ đồng, do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, lợi nhuận gộp của công ty mẹ giảm 12,84 tỷ đồng, tương ứng giảm 26,89% do trong quý III, biên lợi nhuận gộp của các dự án bị suy giảm so với cùng kỳ, xuất phát từ tiến độ thi công các dự án lớn bị kéo dài, dẫn tới giá vốn hàng bán tăng cao. Vì vậy, dù doanh thu có tăng trưởng nhẹ 2,19% nhưng lợi nhuận gộp vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, chi phí hoạt động tài chính của công ty mẹ tăng 6,28 tỷ đồng, tương đương tăng 24,14%. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 6,3 tỷ đồng (tương ứng tăng 25,03%), do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 71,55% chủ yếu do doanh thu thuần hợp nhất trong kỳ giảm 116,73 tỷ đồng, tương ứng giảm 21,38%. Nguyên nhân là quý III/2023, thị trường xây dựng diễn biến không thuận lợi, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên tiến độ chào thầu bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng kéo dài dẫn tới sản lượng thi công đạt thấp.

Đáng chú ý, báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 61,5 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền/tổng tài sản của FCN duy trì ở mức thấp 4,4%.

Trong cơ cấu tài sản, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu, hàng tồn kho. Cụ thể, tính tới cuối tháng 9/2023, FCN sở hữu 2.995,5 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn và 121,2 tỷ đồng khoản phải thu dài hạn, chiếm 40,8% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn của FCN chủ yếu là nợ vay. Cụ thể, tổng nợ phải trả đạt 4.223,6 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với giá trị 3.291,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,23 lần.

Trong đó doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 547,6 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm 467,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 80,1 tỷ đồng, giảm 21,4%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,3% xuống chỉ còn 14,6%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 25,7% xuống chỉ còn 12,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính tuy cũng có giảm nhưng chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, chiếm tới 43,7 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Fecon trong quý III cũng có sự tiết giảm hơn so với cùng kỳ, lần lượt chiếm 3,5 tỷ và 44,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng chỉ tính riêng chi phí lãi vay cũng đã lớn gần bằng chi phí quản lý doanh nghiệp và chiếm tới 54,5% lợi nhuận gộp. 

Điều này cho thấy, gánh nặng lãi vay đang gây áp lực lớn lên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính của Fecon. Kết quả Fecon lỗ từ hoạt động kinh doanh chính 655 triệu đồng ngay tại quý III/2023.

Bên cạnh đó, công ty ghi nhận lợi nhuận khác ở mức 1,7 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 900 triệu đồng. Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, Fecon ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 213 triệu đồng.

Tính tới hết 30/9/2023, doanh thu luỹ kế của Fecon đạt 1.830,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mang về chỉ vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng. So sánh với mục tiêu năm 2023, doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng thì hiện tại Fecon mới hoàn thành được 48,2% kế hoạch doanh thu cùng 1,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nếu không có gì thay đổi lớn trong quý IV, thì gần như chắc chắn FCN sẽ vỡ kế hoạch kinh doanh năm 2023. Đà sụt giảm về lợi nhuận của Fecon thực tế đã bắt đầu từ nhiều năm trước, đặc biệt kể từ sau khi công ty bắt đầu niêm yết cổ phiếu mã FCN trên sàn HoSE.

Từ khi lên sàn lợi nhuân liên tiếp đi lùi

Hoạt động trong lĩnh vực thi công nền móng công trình, Fecon bắt đầu lên sàn từ giữa năm 2016. Kể từ khi mã FCN được niêm yết trên sàn HoSE đến nay, kết quả kinh doanh của Fecon liên tiếp đi lùi qua từng năm.

Tại năm 2017, công ty đạt doanh thu 2.320 tỷ đồng, lãi sau thuế 178 tỷ đồng. Sang đến 2018, doanh thu tăng lên 2.846 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng lên tương ứng 249 tỷ đồng. Cũng kể từ năm này, chuỗi trượt dài 5 năm của FCN bắt đầu.

Giai đoạn 2018 - 2022, doanh thu của Fecon liên tục tăng trưởng, đạt đỉnh 3.484 tỷ đồng trong năm 2021, sau đó giảm nhẹ xuống 3.046 tỷ đồng trong năm 2022.

Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng của doanh thu, lợi nhuận sau thuế liên tiếp sụt giảm: Từ 249 tỷ đồng trong năm 2018, xuống chỉ còn gần 52 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, chỉ trong 5 năm, lãi sau thuế của Fecon giảm gần 80%.

Và như đã nêu phía trên, dù đã qua quý III, lãi sau thuế luỹ kế cả năm 2023 của Fecon mới chỉ đạt 1,6 tỷ đồng (tương ứng 1,2% kế hoạch năm). Nếu không có sự bứt phá nào, thì Fecon sẽ bước sang năm thứ 6 sụt giảm lợi nhuận liên tiếp.

Khối nợ vay ngày càng phình to, chi phí lãi vay tăng theo từng năm

Một điểm đáng chú ý nữa đó là ngược với đà giảm của lợi nhuận, khối nợ vay trong cơ cấu tài sản của Fecon lại ngày càng phình to. Nợ vay ngắn hạn của Fecon liên tục có xu hướng tăng, từ chỉ hơn 530 tỷ đồng tại năm 2017, đã lên tới 1.767 tỷ đồng tại năm 2022. Nợ vay dài hạn cũng tăng từ 343 tỷ tại năm 2017 lên 941 tỷ đồng tại năm 2022.

Tại cuối quý III/2023, diễn biến nợ vay của Fecon đã có sự thay đổi nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng gia tăng. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn đã tăng lên 1.971,2 tỷ đồng, tăng 11,6% so với thời điểm đầu năm. Nợ vay dài hạn giảm nhẹ xuống còn 904 tỷ đồng. Tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn là 2.875,2 tỷ đồng, tăng 467 tỷ đồng so với đầu năm. 

Nợ vay tăng mạnh cũng kéo theo chi phí lãi vay gia tăng, gây áp lực lên lợi nhuận gộp của Fecon. Từ năm 2017 - 2020, chi phí lãi vay của công ty không biến động quá nhiều, chỉ ở mức 80 - 90 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2022, chi phí lãi vay liên tục gia tăng, chạm ngưỡng 212 tỷ đồng trong năm 2022. 

Kết thúc quý III/2023, chi phí lãi vay đã lên tới 180,7 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa, chi phí lãi vay của Fecon sẽ còn tiếp tục gia tăng hơn nữa trong năm 2023.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Fecon đã thông báo lùi thời gian thanh toán cổ tức 2022 bằng tiền sang quý I/2024. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 được thông qua đầu năm 2023, Fecon dự kiến chi 5% vốn điều lệ để trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền. Số tiền thực chia, dựa vào vốn điều lệ tại thời điểm chốt quyền nhận cổ tức.

Đến cuối tháng 6/2023, Fecon đang lưu hành hơn 157 triệu cổ phiếu. Nếu không có sự thay đổi, dự kiến công ty sẽ chi gần 79 tỷ đồng trong đợt trả cổ tức sắp tới.

Vào thời gian này năm trước, Fecon cũng dời ngày thanh toán cổ tức 2021 bằng tiền từ 28/10/2022 sang 16/1/2023. Lý do vẫn đến từ thị trường chung không thuận lợi, chậm tiến độ các hợp đồng dự kiến được ký kết, chi phí lãi vay tăng cao, tiếp cận nguồn tín dụng gặp khó khăn...

Phương Thảo(T/h)