Thị trường có nhiều tín hiệu tích cực hơn, như bảng điện tử được sắc xanh phủ rộng, nhiều bluechip đảo chiều tăng hoặc nới đà đi lên. Chỉ số VN-Index theo đó nhích dần và tăng tổng cộng gần 12 điểm khi đóng cửa.

Mặc dù vậy, thanh khoản lại là điểm trừ khi giảm mạnh và dưới mức trung bình, trong đó, hơn một nửa giá trị giao dịch toàn sàn HOSE lại tập trung ở nhóm VN30, khiến đà hồi phục trong ngắn hạn bị đặt dấu hỏi khi bị các bluechip chi phối lớn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 278 mã tăng và 94 mã giảm, VN-Index tăng 11,79 điểm (+0,97%), lên 1.228,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 482,1 triệu đơn vị, giá trị 12.178,9 tỷ đồng, giảm hơn 37% về khối lượng và 32% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54,7 triệu đơn vị, giá trị 1.637,8 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chỉ còn SAB, BCM và VJC giảm không đáng kể, cùng SSB, VHM, VIC đứng giá tham chiếu.

Còn lại đều tăng điểm, trong đó, các cổ phiếu ngân hàng đóng góp lớn nhất với STB nhích 2% lên 33.050 đồng, VPB +2,7% lên 19.200 đồng, CTG +2,9% lên 35.000 đồng. Các cổ phiếu TPB, ACB, TCB, MBB nhích 1% đến 1,9%.

Đáng kể khác là MWG khi dẫn đầu về mức tăng trong nhóm, đóng cửa +3,4% lên 58.700 đồng, khớp 8,1 triệu đơn vị.

Trong đó, những cái tên như HPG, SSI, VPB, VHM dẫn đầu thanh khoản trên toàn sàn, khi có từ 12,7 triệu đến hơn 34,4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tích cực hơn so với cuối phiên sáng, với điểm sáng thuộc về cổ phiếu VTP khi chạm giá trần +7% lên 121.000 đồng, khớp hơn 1,27 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu VRC và FIR cũng đã tăng kịch trần khi kết phiên lên 11.750 đồng và 5.020 đồng. Các cổ phiếu có tính đầu cơ cao khác có mức tăng đáng kể còn DXS +6,4% lên 7.500 đồng, QCG +5,6% lên 12.200 đồng, CIG +5,2% lên 7.550 đồng, TCO +4,9% lên 21.250 đồng.

Các cổ phiếu đầu ngành ở các nhóm như bán lẻ, dịch vụ, nguyên vật liệu, vận tải, khu công nghiệp đáng chú ý như FRT, LSS, DPM, D2D, GIL, GEX, HVN có mức tăng từ 3% đến gần 4%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu RDP bị bán tháo và giảm sàn -6,4% xuống 1.470 đồng, khớp 2,09 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu CTF cũng tạo điểm nhấn khi có phiên đảo chiều ngoạn mục, khi từ giá sàn đã trở lại sắc xanh, dù chỉ xanh nhạt +0,2% lên 22.850 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co quanh tham chiếu và kết phiên tăng điểm nhẹ.

Đóng cửa, sàn HNX có 86 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 0,47 điểm (+0,21%), lên 221,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,5 triệu đơn vị, giá trị 440,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,12 triệu đơn vị, giá trị 122,5 tỷ đồng.

Các mã tăng đã xuất hiện nhiều hơn so với cuối phiên sáng, dù đa phần chỉ tăng nhẹ, như SHS, PVS, CEO, TNG, VC3, IDC, BVS, VFS khi nhích trên dưới 1%.

Trong khi đó, các mã MST, MBS, HUT về giá tham chiếu, với MST thanh khoản cao nhất sàn khi có hơn 3,4 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tìm về gần tham chiếu sau khi giao dịch trở lại, nhưng sau đó cũng đã nới đà đi lên nhờ lực cầu tích cực.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,45%), lên 91,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,4 triệu đơn vị, giá trị 366,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,2 triệu đơn vị, giá trị 230,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNG duy trì là mã khớp lệnh cao nhất với 10,8 triệu đơn vị, tăng 4% lên 5.200 đồng.

Các cổ phiếu đáng kể khác là VHG tăng trần lên 1.800 đồng, DGT tăng hơn 8,6%, VGI nhích hơn 7%, AAH tăng gần 6%, khớp từ 0,54 triệu đến hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2411 đáo hạn hôm nay đã đảo chiều tăng 11,3 điểm, tương đương 0,89% lên 1.281,3 điểm, khớp lệnh hơn 215.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2315 phiên này khớp tới hơn 9,8 triệu đơn vị, bỏ xa phần còn lại, nhưng giá lại giảm mạnh 20% xuống 40 đồng/cq. Theo sau là CVHM2405 với 3,06 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 9,1% xuống 300 đồng/cq.

Hà Trần (t/h)