Theo khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Với quy định này, các doanh nghiệp cho biết đang lúng túng trong quá trình thực hiện Nghị định số 20, trong đó bày tỏ lo ngại về việc quy định này có thể khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Người nộp thuế làm thủ tục tại Cục thuế Hà Nội. (Ảnh: N.T)
Các tập đoàn muốn lớn mạnh thì họ phải mở rộng lĩnh vực hoạt động, bằng cách góp vốn vào các công ty con. Các ban tài chính, đầu tư sẽ nằm ở công ty mẹ, chịu trách nhiệm chuyển tiếp các nguồn vốn (vốn tự có, vốn đi vay, vốn phát hành cổ phần) tới các công ty con để tối ưu hiệu quả. Đặc biệt, các đối tác nước ngoài như ngân hàng, quỹ đầu tư cũng chỉ đánh giá tiềm lực tài chính của cả nhóm công ty và thực hiện cho vay với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con.
Tuy nhiên, nếu áp dụng Nghị định 20, các doanh nghiệp (DN) hoạt động theo mô hình này sẽ phải phát sinh thêm số thuế phải nộp lên đến hàng trăm tỉ đồng, bởi phần chi phí lãi vay vượt trần 20% sẽ không được khấu trừ để tính thuế.
Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đơn vị này thường đứng ra ký kết hợp đồng vay vốn và cho các công ty con vay lại. Lãi suất EVN cho các đơn vị thành viên vay lại tương ứng mức ghi trong hợp đồng vay, tài trợ mà đơn vị này ký với bên cho vay. Tuy nhiên, nếu tính giới hạn chi phí lãi vay như Nghị định 20 thì sẽ ảnh hưởng "rất lớn" đến tài chính của EVN và các đơn vị thành viên, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư.
Đơn vị này cho biết thêm, do nhu cầu đầu tư lớn nên EVN và các đơn vị thành viên vẫn phải tiếp tục huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Trong trường hợp áp dụng Nghị định 20, Tổng công ty phát điện phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tăng rất lớn. Cụ thể, EVN GENCO 1 nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 339 tỷ đồng, EVN GENCO 3 tăng khoảng 216 tỷ đồng....
Do đó, EVN kiến nghị các giao dịch liên kết của EVN và các đơn vị thành viên không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 20/2017, không phải áp dụng các nội dung liên quan đến giới hạn chi phí lãi vay.
Còn theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Dệt may, phần lớn các DN có tỉ lệ nợ ở mức cao, khoảng 6 - 7 lần, có những DN lên đến 9 - 10 lần do đặc thù của ngành là gia công, cần vốn để mua nguyên vật liệu, máy móc sản xuất các đơn hàng. Đối với ngành thép, nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chiếm đến 50 - 60%.
Hay đối với bất động sản là ngành đặc thù, đã có quy định tỉ lệ 20% vốn tự có và 80% vốn vay cho một dự án. Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - đánh giá, mức vay của các DN như vậy thì hầu hết sẽ vượt mức trần 20% và “càng đầu tư nhiều càng thiệt”.
Ở khía cạnh đơn vị tư vấn, bà Hương Vũ - Phó TGĐ Ernst &Young Việt Nam - Cty uy tín về dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn cho rằng, với quy định tại khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, khi DN có EBITDA âm thì không tính được mức khống chế chi phí lãi vay và có thể hiểu toàn bộ chi phí vay của DN sẽ không được chấp nhận.
Cách áp dụng như vậy là không hợp lý, bởi DN mới thành lập thường cần vài năm mới có thể đi vào sản xuất ổn định và có lãi. Ngay cả các DN đang hoạt động cũng có thể rơi vào tình trạng lỗ khi tình hình thị trường biến động và các rủi ro vĩ mô khác.
Hằng Vương (t/h)