Đối với thị trường Nhật Bản, năm nay toàn tỉnh Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220 ha, 260 hộ dân tham gia, sản lượng ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích trồng vải thiều tập trung tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên.
Các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty Bamboo.
Hiện tại các doanh nghiệp này đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đang chuẩn bị các điều kiện đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng.
Dự kiến, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu sẽ là đơn vị xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường Nhật Bản (vải sớm Tân Yên). Đến nay, công tác chuẩn bị về sơ chế, đóng gói, phục vụ thị trường này đang được các doanh nghiệp ráo riết chuẩn bị.
Vụ sản xuất năm 2021, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt khoảng 28.000 ha (năm 2020 là 15.000 ha). Sản lượng ước đạt khoảng 185.000 tấn, trong đó diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 22.500 ha, sản lượng 110.000 tấn.
Bắc Giang hiện có hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu với 18 mã vùng và 15.867ha xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng.
Vào tháng 3/2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) tại Nhật Bản. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Trước đó, vải thiều Lục Ngạn cũng đã được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Lào, Camphuchia và được tiêu thụ nhiều nước trên thế giới.
Nguyễn Kiên