30 tấn vải thiều Bắc Giang sắp lên tàu sang Mỹ
Theo chia sẻ của ông Tùng, lô vải Thanh Hà đầu tiên khoảng 30 tấn đã được Vina T&T Group thu mua ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và đang vận chuyển vào nhà máy xử lý tại Tiền Giang trước khi đưa đi chiếu xạ và lên tàu biển đến Mỹ. "Sau nhiều năm tìm kiếm, thử nghiệm, năm nay Vina T&T Group có thể bảo quản được trái vải tươi 45 ngày nên có thể đưa hàng sang Mỹ bằng đường biển, giúp quả vải đến tay người tiêu dùng tại Mỹ với giá hợp lý.
"Trên thực tế, vải thiều Việt Nam được Mỹ cấp phép nhập khẩu từ năm 2015 nhưng sản lượng xuất khẩu rất thấp. Vina T&T Group chỉ xuất khẩu được 1 tấn nhưng không thành công vì chưa có công nghệ bảo quản, vải chỉ để được từ 7-10 ngày sau khi hái. Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hàng từ vùng nguyên liệu phía Bắc vào nhà máy phía Nam bằng đường hàng không, rồi xuất sang Mỹ cũng bằng đường hàng không nên chi phí rất lớn, làm đội giá thành. Giá vận chuyển máy bay từ Việt Nam sang Mỹ gấp 36 lần cước vận chuyển bằng đường tàu" – ông Tùng thông tin.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho hay đến thời điểm này vải thiều sớm của Bắc Giang đã được tiêu thụ hết. Vải thiều chính vụ đã bắt đầu vào thu hoạch và đang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường trong và ngoài nước theo đúng kịch bản mà tỉnh đã xây dựng từ đầu năm. Hiện giá vải thiều tại Bắc Giang cao nhất từ 40.000 - 45.000 đồng/kg; bình quân cao hơn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg so với đầu vụ.
Những ngày qua, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất sôi động, với trên 300 điểm cân; dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Hiện đang vào giữa mùa thu hoạch vải thiều nên số lượng hái rất lớn.
Đây là lần đầu tiên trái vải Bắc Giang trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ được Vina T&T Group thu mua để đưa sang thị trường này bằng đường tàu biển. Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã tổ hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 với 62 điểm cầu trong nước và 4 điểm cầu quốc tế đã thành công tốt đẹp.
Trúc Mai