Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa to kéo dài trong nhiều ngày đã gây ra sự cố sạt lở đất tại một số nơi thuộc địa bàn các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động.
Đó là sự cố sạt lở đất tại khu Dốc Chợ, thôn Lầm, xã Trường Sơn (Lục Nam). Vị trí xảy ra sự cố sát tỉnh lộ 293, ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ gia đình với 58 nhân khẩu. Khu vực sạt trượt trên sườn núi, cung sạt rộng khoảng 30 m, dài 35 m có nguy cơ cao phát triển khoảng 130 m; chênh cao từ mặt đường tỉnh 293 đến đỉnh cung sạt khoảng 25 m.
Sự cố sạt lở đất tại núi Bục, thôn Chay, xã Phì Điền (Lục Ngạn). Gần đây, tại các khe suối trên núi Bục xuất hiện 2 vị trí sạt trượt với khối lượng đất đá lớn. Khoảng cách từ khối trượt đến nhà dân tại sườn núi khoảng 215 m. Các khối đất nếu trượt xuống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân với 64 nhân khẩu, trong đó có 19 trẻ em và người cao tuổi.
Tại huyện Sơn Động có 6 sự cố sạt lở đất tại khu vực Đèo Vá, thôn Vá, xã An Bá (1 sự cố); các thôn: Tuấn An, Tuấn Sơn, Nam Bồng, Linh Phú, thuộc xã Tuấn Đạo (4 sự cố); tổ dân phố số 1, thị trấn An Châu (1 sự cố), ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sinh sống ở gần khu vực.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan cần áp dụng ngay một số biện pháp khẩn cấp để ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra.
Trong đó, các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động:
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, tuyệt đối không được để người dân trở lại sinh sống (trước mắt là trong mùa mưa bão năm 2024). Bố trí sắp xếp nơi sinh hoạt cho các hộ dân bị ảnh hưởng bảo đảm ổn định, đồng thời tiếp tục rà soát đánh giá nhanh các hộ dân lân cận để chủ động phòng tránh. Xây dựng bổ sung phương án ứng phó với sạt lở đất trong phương án ứng phó thiên tai năm 2024 của huyện;
Tổ chức chặt cây, phát quang, cắm tiêu, mốc để quan trắc khe nứt, cung sạt trượt, hạn chế để nước mưa chảy vào khe nứt. Cử lực lượng tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố, cập nhật diễn biến báo cáo thường xuyên về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
Rà soát ngay phương án di dân khẩn cấp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện theo thứ tự ưu tiên, trong đó nêu rõ số hộ dân cần di dời. Việc sắp xếp di dời dân cư ngoài việc bảo đảm sinh kế cần quan tâm đến các yếu tố an toàn theo quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống thiên tai, tính toán phương án với tình huống xấu nhất phải di dời, bố trí tái định cư để ổn định, an toàn lâu dài cho người dân.
Cùng đó, các địa phương chủ động bố trí, sử dụng nguồn kinh phí tổ chức khảo sát, đánh giá, lập phương án khẩn cấp, cấp bách sự cố công trình; ban hành lệnh xử lý khẩn cấp công trình theo phương châm “4 tại chỗ”, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thời điểm kết thúc, xử lý ứng phó tình huống là khi thực hiện hoàn thành các biện pháp xử lý sạt trượt bảo đảm an toàn. UBND các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động phải chịu trách nhiệm báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp nêu trên.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình các sự cố nêu trên; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện trong quá trình thực hiện.
Các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn UBND các huyện xử lý, khắc phục các sự cố sạt lở đất nêu trên.
Các cơ quan truyền thông thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp các sự cố nêu trên để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.
Bá Đoàn