Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Ban Cán sự đảng, đảng đoàn, các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh, huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về ATVSLĐ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động (LĐ) và người lao động (NLĐ), nhất là LĐ trong khu vực không có quan hệ LĐ. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần vào sự phát triển bền vững của DN, của tỉnh.
Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng LĐ, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả; phê phán, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về ATVSLĐ. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về bảo đảm ATVSLĐ và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị số 31-CT/TW, trong đó lưu ý bảo đảm quyền của NLĐ được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, DN, tổ chức, cá nhân.
Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về nội dung ATVSLĐ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực LĐ, y tế, môi trường của địa phương, đơn vị hằng năm và giai đoạn.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, các chủ trương, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác ATVSLĐ; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Phấn đấu giảm tỷ lệ tai nạn LĐ chết người ít nhất 4%/năm; số người LĐ làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường LĐ tăng ít nhất 5%/năm.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác ATVSLĐ, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của cơ quan, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại các DN chưa chấp hành tốt hoặc có nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, NLĐ. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận và báo cáo tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp.
Chú trọng công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện LĐ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Quản lý chặt chẽ các dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ; quan trắc môi trường LĐ; khám sức khoẻ định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn LĐ. Có giải pháp chỉ đạo quyết liệt về bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình thi công các công trình xây dựng, giao thông... Nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở y tế các cấp trong việc khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; bộ phận ATVSLĐ, bộ phận y tế, hội đồng ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường nguồn lực của tỉnh và DN đầu tư cho công tác ATVSLĐ gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ LĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác ATVSLĐ. Khuyến khích DN chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giảm thiểu tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, nhất là các ngành LĐ, y tế, môi trường với địa phương, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chú trọng khu vực không có quan hệ LĐ. Đẩy mạnh thi đua trong LĐ sản xuất, tạo điều kiện để NLĐ đề xuất các giải pháp, sáng kiến, cải tiến công tác ATVSLĐ, hạn chế rủi ro, ngăn ngừa tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp. Phát huy hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa an toàn LĐ tại nơi làm việc.
Bá Đoàn