Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, bão số 3 gây thiệt hại trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản toàn tỉnh là: 7.500 m2 chuồng trại bị tốc mái, 2.700 con ngan vịt và 11 gia súc bị chết, 177 lồng nuôi cá trên sông bị bung phao, chìm gây thiệt hại 426,5 tấn cá và nhiều cầu dẫn bị gãy. Trong đó, huyện Gia Bình thiệt hại nặng nhất với 24 hộ nuôi hư hỏng 118 lồng, sản lượng thiệt hại ước khoảng 347,5 tấn cá; gãy 11 cầu; huyện Lương Tài có 8 hộ nuôi hư hỏng 50 lồng, thiệt hại ước khoảng 72 tấn cá; thị xã Thuận Thành có 1 hộ nuôi hư hỏng 6 lồng, 7 tấn cá…
Mặc dù đã cẩn thận gia cố lồng nuôi, nhưng ông Đào Xuân Thuấn, thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình) vẫn không ngờ bão số 3 gây ảnh hưởng nặng nề tới khu vực sản xuất của gia đình như vậy. Sau một đêm, cây cầu dẫn ra 30 lồng nuôi các loại cá trên sông bị gãy, khiến hoạt động kiểm tra, chăm sóc đàn cá sau bão gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải chèo thuyền ra nắm tình hình, khẩn trương vệ sinh lồng, cho cá ăn thêm bổ sung. Nhiều hộ nuôi lồng bè lân cận cũng bị rách lưới, gãy khung sắt ở một số lồng, khiến thất thoát cá. Tuy nhiên, hiện mực nước sông lên cao ảnh hưởng tới quá trình khắc phục sự cố và tiếp tục đe dọa tới an toàn hệ thống lồng bè, khiến các hộ nuôi rất lo lắng.
Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cán bộ thú y cơ sở tích cực hướng dẫn nông dân biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi và cơ sở hạ tầng. Khi bão qua đi, khẩn trương rà soát tình hình thiệt hại, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đề nghị hỗ trợ của Nhà nước, triển khai ngay những biện pháp khôi phục điều kiện chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh: Sau mưa bão, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với đàn nuôi là rất cao do chuồng trại ẩm thấp, một số thiết bị, dụng cụ hư hỏng, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm. Vì vậy, các hộ nuôi cần phải tăng cường phòng, chống dịch bệnh bằng các nguồn lực sẵn có.
Cụ thể, về chuồng trại, các hộ nuôi cần thu dọn, vệ sinh; khử trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng. Sử dụng thức ăn, nước uống hợp vệ sinh, tăng cường các loại thức ăn bổ sung, giàu dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi sau nhiều ngày chống chịu ảnh hưởng bão. Không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh,... Khi có vật nuôi ốm, chết, các cơ sở phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
Đối với thủy sản, các hộ nuôi cá trong ao đất cần tháo rút, giảm lượng nước trong ao, chạy máy quạt nước, sục khí, cân bằng môi trường nước ao. Khử trùng bằng vôi, bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn. Kiểm tra, gia cố bờ ao bị sạt lở, đề phòng có thể xảy ra các đợt mưa lớn tiếp theo; thu gom, xử lý rác, chất thải và thủy sản chết. Đối với các ao cá bị thất thoát do mưa bão cần thả bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế. Các hộ nuôi lồng trên sông cần gia cố, bổ sung lại hệ thống các phao, tấm chắn, hệ thống dây chằng, túi cát góc lồng.. của các lồng nuôi, phòng ngừa gió, nước lũ chảy mạnh tiếp tục làm hư hại lồng nuôi. Sử dụng túi vôi treo tại lồng để khử khuẩn, phòng cá bị nấm, bệnh gây hại. Quan sát các yếu tố môi trường như: độ đục, dòng chảy, oxy hòa tan… và sức khỏe của cá để điều chỉnh lượng thức ăn, chạy máy sục khí khi cần thiết.
Trước diễn biến còn phức tạp của thời tiết về mưa lũ trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, bám sát chỉ đạo của ngành chức năng, chủ động thực hiện biện pháp an toàn cho đàn vật nuôi, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bá Đoàn