Đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có chuyến du xuân - thăm Di tích Lịch sử Đền Đô, để  thành kính tưởng nhớ công ơn các vị Vua nhà Lý, cầu sức khỏe và bình an trong năm mới…
Đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có chuyến du xuân - thăm Di tích Lịch sử Đền Đô, để  thành kính tưởng nhớ công ơn các vị Vua nhà Lý, cầu sức khỏe và bình an trong năm mới…

Sáng nay, Đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có chuyến du xuân - thăm Di tích Lịch sử Đền Đô, để thành kính tưởng nhớ công ơn của các vị Vua nhà Lý, cầu sức khỏe, và bình an trong năm mới…

Đền Đô (còn gọi là Đền Lý Bát Đế - Cổ Pháp điện), được xây dựng vào thế kỷ XI, trên đất hương Cổ Pháp (ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa, vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý, sau khi băng hà.

Cấu trúc của Đền Đô, được chia làm 2 khu vực là nội thành và ngoại thành, trên khuôn viên rộng khoảng 31.250 m2. Trung tâm của Đền là điện thờ, là nơi đặt bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Xung quanh có nhà Chuyền Bồng, nhà Tiền Tế, nhà Phương Đình, nhà Thủy Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa…

Đọc Chiếu dời đô tại Lễ hội Đền Đô (Ảnh: TTXVN)

“Tháng Ba hoa gạo đỏ tươi

Trống Đền Đô gọi người về thăm quê…”.

Thân thương biết mấy, quê Cổ Pháp xưa Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh) ngày nay, mỗi độ Xuân về, lại rộn ràng tiếng trống hội làng - gọi người về “Uống nước nhớ nguồn”, tụ hội tâm hồn dân Việt - Kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (Rằm tháng Ba năm Canh Tuất 1010), dựng nghiệp nhà Lý vẻ vang và khai sáng Kinh thành Thăng Long “Vì muôn đời con cháu…”.

“Đền Đô kiến trúc tuyệt vời

Thăng Long đẹp đất, đẹp người ngàn năm”.

Trưởng ban Quản lý di tích phường Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) - “ông từ” Đền Đô, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ:

“Kiến trúc đẹp nhất của Đền Đô là kiến trúc của tình người - người ngoan Kinh Bắc - người ngoan Việt Nam - hùng khí Thăng Long.

Mỗi lần giặc phá, mỗi lần bị ảnh hưởng thiên tai, bà con khắp nơi lại về cùng người Cổ Pháp - Đình Bảng, công đức xây dựng lại, Xuân Thu tứ thời bát tiết cho con cháu được hưởng lộc, tâm linh thanh thản, tin yêu con người và cuộc sống, ước mơ và hành động với sức “Rồng bay lên”…”.

Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý nên còn gọi là Đền thờ Lý Bát Đế. Tương truyền, thiền sư Vạn Hạnh đã chọn “đất dáng 8 đầu của con rồng” này, xây dựng ngôi nhà lớn để đón Lý Thái Tổ Công Uẩn xa giá - về thăm quê nhà tháng Hai năm Canh Tuất 1010 - đăng quang ngôi Thái Tổ, đặt niên hiệu Thuận Thiên ra Chiếu rời đô, xây dựng Thăng Long…

Đền Đô bị chiến tranh phá hủy năm 1952. Năm 1989, Kỷ niệm 980 năm ngày triều đình suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi - mở đầu vương triều nhà Lý – hướng tới Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhân dân Đình Bảng, với sự công đức của hàng triệu tấm lòng người Việt và cả bạn bè quốc tế, đã khởi công xây dựng lại Đền Đô.

Sau 20 năm (kể từ khi khởi công xây dựng, tu sửa lại Đền Đô và cho đến nay), bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách, các nhà hảo tâm ủng hộ, Nhân dân đóng góp, phường Đình Bảng, TX. Từ Sơn (nay là TP. Từ Sơn) khi đó, đã dành hàng trăm tỷ đồng trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích cách mạng và di tích lịch sử văn hóa, có liên quan tới vương triều Lý.

Nơi đây - đã trở thành điểm sáng văn hóa, tụ hội tâm hồn dân Việt “Uống nước nhớ nguồn”…

Nhà Lý có 9 đời vua. Đền Đô thờ 8 vị vua: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Riêng Lý Chiêu Hoàng - vua thứ 9 của triều Lý, thờ ở Đền Rồng, bên bìa rừng Báng, cạnh Thọ Lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của 8 vị vua nhà Lý, giữa đồng quê Cổ Pháp - Đình Bảng.

Năm 2014, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Vào đúng dịp Kỷ niệm ngày sinh Lý Thái Tổ (Xuân 1994), ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 của Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng tử Lý Long Tường, đã từ Hàn Quốc tìm về quê hương Cổ Pháp - Đình Bảng - Đại Việt - Việt Nam.

Cảm nhận tình thương của dân tộc, mở đầu cho những cuộc hành hương của những hậu duệ đời Lý từ các nơi tìm về cội nguồn, ông Lý Xương Căn ứng lời sấm cổ:

“Bao giờ rừng Báng hết cây

Tào Khê hết nước, Lý nay lại về”.

Về Đền Đô trước ngày diễn ra Lễ hội Xuân 1998, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói với những người trẩy hội Đền Đô:

“Truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng - cũng là một nội lực của dân tộc ta. Không ai được quên lịch sử dân tộc, quên lịch sử của dân tộc mình là quên chính mình…”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi đó - đã về Đền Đô, cùng Nhân dân dâng hương tưởng niệm 8 đức vua triều Lý và ân cần nói chuyện với đồng bào:

“Hình ảnh đức vua Lý Thái Tổ ra Chiếu dời đô và cưỡi thuyền rồng về Thăng Long, những sự tích và những đám mây ở đây rất xúc động, rất thiêng liêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống của dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện một bề sâu và sự vững bền văn hóa Việt Nam”.

Nhân dịp chuẩn bị đón Tết Cổ truyền của dân tộc, sáng 24/1 (tức 22 tháng Chạp năm Tân Sửu), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dâng hương tưởng niệm các vị vua nhà Lý, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Đô, phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn.

Trong không gian linh thiêng của Đền Đô - nơi thờ 8 vị tiên vương triều Lý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu thành kính tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiên đế đã có công khai phá, dựng xây và bảo vệ giang sơn, khai mở nền văn minh Đại Việt; lập kinh đô Thăng Long - Hà Nội, linh thiêng hào hoa, nơi lắng hồn núi sông nghìn năm; nguyện cầu cho quốc thái, dân an, đất nước ngày càng phát triển vững mạnh.

Thắp nén tâm nhang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bảy tỏ tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc - đã cùng người dân con Lạc, cháu Rồng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phát triển như ngày nay.

Tại Đền Đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ, trò chuyện và chúc Tết các bậc cao niên và Nhân dân phường Đình Bảng đang có mặt tại đây một năm mới an khang - thịnh vượng với nhiều niềm tin và kỳ vọng về đất nước.  

Đồng thời, Tổng Bí thư thăm quan quy trình làm tranh và nghệ nhân trình diễn làm tranh dân gian Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, cùng các đại biểu, đã thưởng thức làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; trò chuyện, chúc Tết động viên các nghệ sỹ, liền anh - liền chị quan họ; gặp gỡ, trò chuyện với Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn.

Bạn bè quốc tế du lịch tới Đền Đô ngày càng đông, mong được dự lễ hội. Gặp nhau là cười thân thiện. Bạn cũng dâng hương lễ theo tiếng trống chiêng cụ thủ từ Đền Đô nối dóng, tha hồ ngắm và chụp nhiều ảnh nét kiến trúc Đền Đô, nghe liền anh - liền chị hát Quan họ.

Diệp Tố Nga (người Trung Quốc) trân trọng ghi vào Sổ vàng lưu niệm Đền Đô:

“Chúc Lý triều điện vạn niên trường xuân, ức niên lưu phương”.

Nhà văn hóa Pháp, Genevieve Couteau ghi:

“Đây là nơi đầy cảm xúc thiêng liêng. Nơi mà mọi sôi động trần tục đều bị lãng quên trong sự tìm kiếm yên tĩnh và hòa bình gắn bó tất cả con người có thiện tâm”.

Tiến sỹ Roberto từ Italy tới, đã nhận xét:

“Đây là một bằng chứng của sức sống mãnh liệt Việt Nam!”…

Lễ hội Đền Đô được mở lại theo truyền thống. Lễ linh thiêng, hội tưng bừng, náo nhiệt cả vùng quê Kinh Bắc, đến cả Thăng Long - Hà Nội và tỉnh bạn.

Lễ hội Đền Đô xưa, được tổ chức hàng năm theo cổ lệ vào ngày 15/3 Âm lịch, liền trong 4 ngày: 14, 15, 16, 17/3 (nay đổi mới tổ chức gọn lại trong 3 ngày: 14, 15, 16/3, do chính hội là ngày 15. Ngày 14 mở hội và ngày 16 giã hội).

Tương truyền đó là Lễ hội Kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (15/3 năm Canh Tuất - 15/3/1010). Ngày ấy tốt lành. Chính ngọ đắc tâm linh. Lý Thái Tổ làm lễ tế trời, đặt niên hiệu Thuận Thiên, mong “thiên hạ thái bình”. Người ban Chiếu dời đô...

Lễ hội Đền Đô năm 2019 - diễn ra trong 3 ngày (từ 14 - 16/3 Âm lịch), nhằm tưởng nhớ công ơn của vua Lý Công Uẩn, người khai mở vương triều Lý, phát triển văn minh Đại Việt, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Điểm nhấn của Lễ hội Đền Đô là đoàn rước quy mô hơn 2.000 người khởi hành lúc 7 giờ sáng từ Chùa Ứng Thiên Tâm (Từ Sơn, Bắc Ninh) về Đền Đô. Đi đầu là đoàn múa lân, rồng, thể hiện hào khí Thăng Long, tiếp đó là 3 võ tướng cởi trần, đóng khố, tay cầm chùy đồng và hàng trăm quân lính đi sau uy nghi, hùng dũng cùng kiệu Đức Thánh Mẫu và các kiệu vua triều Lý.

Trẩy hội Đền Đô, du khách có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử triều Lý và được thăm quan khu “Sơn lăng cấm địa” - một di tích lịch sử mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, gồm 11 lăng - nơi an nghỉ cuối cùng của các vị vua triều Lý:

Lăng Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, lăng Phát tích (thờ bà Phạm Thị) và lăng Nguyên Phi Ỷ Lan.

Tưng bừng, nhộn nhịp Lễ hội Đền Đô. Đây là một tấm gương sáng về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa nước nhà…

Một số hình ảnh:

Đền Đô - xưa in dấu chân Bác Hồ về thăm 4 lần. Từ ngày xây dựng lại, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Lê Quang Đạo, Nguyễn Phú Trọng… cùng hàng triệu đồng bào, chiến sỹ tới dâng hương, tưởng niệm 8 vị vua nhà Lý.

Xuân Phong