Vì thiếu hiểu biết mà mắc vòng lao lý

Tôi làm bạn với Vàng A Tùng, người dân tộc H'mông (nhân vật chính xuyên suốt bài viết) qua một số người làm công tác thị trường cho sản phẩm Supe Lâm Thao ở tỉnh Sơn La.

Tác giả (bên trái) cùng Vàng A Tùng bên bãi đá dựng ông Chứ cúng
Tác giả (bên trái) cùng Vàng A Tùng bên bãi đá dựng ông Chứ cúng

Dòng họ Vàng A ở đất Tân Lập huyện Mộc Châu là dòng họ uy tín, có tiếng nói với dân bản từ xưa tới giờ. Không nói quá, cứ nhắc đến tên thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng), thì không chỉ ở Mộc Châu, Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc biết, mà mãi tận bên Lào, người ta cũng biết đến.

Ngày trước, khi văn hóa và y tế chưa mở mang tới bản làng, các lối về bản đều là lối mòn, dắt trâu, bò, ngựa thồ đi mãi thành đường. Người trong bản, mỗi bận gọi nhau đi rừng phải "hành quân" theo nhóm đề phòng gặp thú dữ, tìm cách đương đầu và đẩy lùi dần chúng vào thung sâu. Thời điểm đó, mọi thứ bệnh tật ngoài việc dùng lá rừng tự khắc chế, thì may sao nhờ ơn Giàng (Trời - đấng tối cao), ông Chứ cúng được hưởng lộc, thuộc bài làm phúc, được đón mời đi khắp nơi để giúp mọi nhà truy đuổi tà ma, xem hướng gia trạch, cầu cho bệnh ách tiêu tan… Đó lời tâm sự khởi đầu của Vàng A Tùng khi gặp tôi.

Ông Chứ cúng sinh hạ được 4 người con trai. Anh cả là Vàng A Vừ (1971), thứ nam Vàng A Tùng (1977), Vàng A Vẳng (1983) và út là Vàng A Chúng (1986). Ở bản, giờ chỉ có Vàng A Vừ và Vàng A Tùng, thừa hưởng trang trại khai hoang từ cha, còn 2 chú sau đều đi làm ăn xa, ít về.

Vàng A Tùng tiếp chuyện, mãi cho đến khi chuẩn bị về với Tổ đường năm 2017 ở độ tuổi ngoài 70, trong suốt mấy năm, kể từ 2015, ông Chứ cúng mới chọn con trai cả là Vàng A Vừ theo hầu giá để truyền dạy và chuyển giao lại toàn bộ nghi thức cho trưởng nam kế nghiệp, tế bái giúp dân. Theo phong tục, điều này là tuyệt mật và bí truyền, không thể có người thứ ba biết được.

Trong cuộc đời của mình, ông Chứ cúng cũng đã kịp tạo tác tên của mình gắn với địa danh của rừng thẳm, hom sâu. Chả là, cùng với người dân trong bản, ông Chứ cúng đã khai hoang, vỡ hóa nhiều khu đất rộng lớn, phát cây rẫy cỏ - tạo nên một vài trang trại, tổng cỡ ngót chục héc ta. Nhờ biết phong thủy, trước khi bàn giao cho các con, ông Chứ cúng căn dặn kỹ: Không bao giờ được bán hoặc sang nhượng cho ai dải đất linh thiêng này, nhất là nơi có 2 "tảng đá kỳ quan, thần diệu" - trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông mới dắt tay 2 con trai lớn đến tận nơi để… bàn giao.

Khu đất ấy, được mang tên: Núi đá dựng ông Chứ cúng!

Ai đã từng nghe tiếng khèn H'mông?

Tiếng khèn tạo nên những nét độc đáo, bản sắc rất riêng của người H’mông. Âm thanh của nó không chỉ chiếm được cảm tình của hầu hết người H’mông, mà còn làm say đắm những ai từng thích lắng nghe thứ nhạc rất tình này.

Ở độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu", trong Lễ hội mùa xuân 1995, Vàng A Tùng treo nỏ sau lưng và vác khèn băng rừng, đi dự hát đối mãi tận Chiềng Hát. Dẫu phải vượt qua hàng chục con núi, vẫn thấy dư sức co duỗi đôi chân trần để vừa nhảy vừa nhấp nháy ngón tay trên khuông, vút lên những khúc bổng trầm như mây bay, như suối chảy, như gọi mời, như gợi tình…

Mùa Thị Khúa - hoa khôi của hội xuân năm ấy, đã không thể chớp mắt khi ngắm nhìn thân hình vạm vỡ, nét hào hoa rạng ngời bên những vũ điệu tràn đầy quyến rũ, hòa với làn điệu trong bập bùng ánh lửa men say nơi Vàng A Tùng. Ngay lập tức, 2 đứa phải lòng nhau và đã thành đôi trước khi trời sáng. Thế là trời biết, đất biết, ông thầy Vàng A Chứ biết và hoan hỷ chứng nhân cho hạnh phúc của cặp đôi này. Vàng A Chứ còn dự báo rằng, thứ nam của ông sẽ làm nên nghiệp trong nay mai…

Dạo ấy, ở dải đất này, số đông người già và thanh niên, vẫn dùng thuốc phiện. Dân bản vẫn trồng giấu trên nương, tự triết xuất và sử dụng như một loại thần dược thông dụng chữa bách bệnh. Cứ đau mỏi, ho hắng, mần đay… mà dùng thuốc phiện và kết hợp với… cúng bái, thì lập tức bệnh nan y mấy cũng sẽ thuyên giảm…

Vàng A Tùng là một trong số những thanh niên quảng giao, được theo cha đi đây đi đó vài lần, cho nên khá thành thạo đường ngang ngõ tắt từ các nơi về bản. Do vậy, vô tình đã trở thành một mắt xích trong đường dây buôn bán ma túy mà bản thân cũng chưa nhận thức được rằng, tham gia công việc này là siêu lợi nhuận, nhưng nếu vi phạm sẽ lĩnh án tù tội rất nặng, vì mặt trái của nó là hủy hoại đồng loại. Vài lần đưa đẩy hàng trót lọt, lại rủng rỉnh tiền tiêu, mua sắm không cần nghĩ, chẳng thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, đã thỏa sức cưỡi trên con xe máy đẹp nhất bản, vi vu xóm trên làng dưới…

Cho đến ngày kia (2001), một tiểu đội công an tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu phối hợp giăng mẻ lưới túm gọn Vàng A Tùng, cùng đồng bọn đang vận chuyển mấy chục "tép" ma túy trên đường bán dạo và bị khép án 17 năm cải tạo giam giữ.

Vàng A Tùng còn nhớ như in, hình ảnh 2 đứa con trai kháu khỉnh được vợ dắt và bế đến nghe tòa tuyên án. Con trai lớn Vàng A Lý khi đó tròn 5 tuổi, Vàng A Thanh mới cai sữa còn đang hãm ngửa. Lòng đau quặn, Vàng A Tùng hứa sẽ cải tạo thật tốt để hoàn lương, sớm về với vợ con. Còn Mùa Thị Khúa, nước mắt ngắn dài vuốt ve, động viên chồng đừng vì ham tiền mà rơi vào lao lý…

Với bản tính thật thà, chất phác, cộng thêm khéo tay nhất trong số những trại viên về chế biến món ăn, là "người đồng bào" mà dạ vâng đâu ra đấy, Vàng A Tùng mau chóng lấy được lòng tin từ cán bộ giám thị trại giam. Rõ ràng là tù nhân mới, mà ngay lập tức đã được tự do đi lại, được ủy quyền lo liệu mua sắm đồ ăn thức uống và nấu nướng phục vụ các trại viên. Cũng nhờ thế, mỗi năm qua đi, mức khoan hồng của Nhà nước với Vàng A Tùng lại được xem xét, giảm dần thời gian thụ án.

Thấm thoắt cũng đã hơn 9 năm trôi qua, Vàng A Tùng mãn hạn cải tạo, được trở về quê năm 2010…

Hoàn lương, nuôi giấc mộng… “kỳ quan”

Vàng A Tùng thong thả về bản với vẩn vơ ý nghĩ rằng, sẽ lên kế hoạch chi tiết làm lại cuộc đời theo lời chỉ dạy của cán bộ trại giam trước lúc chia tay, sẽ bù đắp tình cảm bấy nay xa cách với Mùa Thị Khúa…

Quê hương hôm nay thật đẹp, bản làng cũng thật đẹp, trải vàng miên man màu hoa cải khắp các lòng thung. Một màn sương mỏng quện vào khói bếp nhà ai, bao phủ tít tắp 2 hàng cây rợp lối về, thứ sương mù "đặc sản" Tân Lập, quê hương của Vàng A Tùng, trừ những ngày bén nắng.

Đường đi lối lại giờ đây đã nhiều đoạn được nâng cấp bằng bê tông hóa, từng đoàn các cháu nhỏ tan trường coi thật dễ thương, có điều đứa nào và là con nhà ai, thì Vàng A Tùng không thể nào đoán ra được. Ngót mười năm cơ mà, nếu một đứa nhỏ được sinh ra từ ngày đó, thì bây giờ cũng đã cuối cấp tiểu học rồi còn gì? Mơ màng nghĩ mà chân dạo tới cổng nhà tự lúc nào không hay.

Suốt bấy nay, trai cả Vàng A Vừ được thừa hưởng nếp nhà gỗ 3 gian trong trang trại, ngay chân Núi đá dựng ông Chứ cúng. Thấy em về, Vàng A Vừ đã động viên Vàng A Tùng làm thêm một lán gỗ nữa để sớm hôm anh em cùng nhau canh tác. Hai anh em họ mua bò giống, dê vằn, lợn đen, ngan, gà các loại về thả, từ dạo đó trang trại rộng và ấm hơi người, lúc nào cũng ríu ran tiếng các loại vật nuôi.

Ghé tai Vàng A Tùng, tôi tranh thủ "phỏng vấn" về thu nhập hiện tại của gia đình, với ý đồ nhỡ mà tham góp gì được giúp chú em nó. Vàng A Tùng "khai" rằng:

“Tổng thu nhập của em có từ 2 nguồn chính: Một là chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm đem về hơn 100 triệu, người dưới xuôi lên mua tận nơi, không đủ số lượng để bán; bên cạnh đó, rừng mận và su su (bán ngọn và quả) ngoài cho tặng anh em, thì cũng đem lại thu nhập cố định trên 100 triệu nữa, với 2 vợ chồng em thế là vừa đủ, các cháu xây dựng gia đình sớm, ra ở riêng cũng đã biết tự lo”.

Tôi cùng nhóm anh em, cũng đã vài lần tiếp xúc với Vàng A Tùng, đúng khí tiết con người H'mông thứ thiệt, tính cách thẳng băng: Chẳng mấy khi các bác lên chơi, để em vào trại bắt con lợn về thịt. Khi khác là cặp ngan suối hãm tiết canh. Lần sau nữa, lại quéc quéc cặp gà chạy bộ… Cứ rượu vào là đem khèn ra thổi, nhón chân múa ngay mặt chiếu dưới sàn, hồn hậu và phê pha “Điệu này là hát xuân tán gái, điệu này mừng được mùa ngô”… Đôi bận tửu lượng vút cao, chủ nhà lên phản nằm quay vào trong tường ngủ một mạch, khách về chào mỗi Mùa Thị Khúa.

Dẫu đó, cho đến khi cảm nhận thấy sự chân tình từ anh em chúng tôi, Vàng A Tùng mới cởi lòng:

“Gia đình còn đang sở hữu mấy trang trại rất rộng, tất cả đều chỉ cách nhà vài kilomet thôi. Trong đó "đặc sản" toàn… đá, các bác ạ! Bố em hồi còn sống, cứ dặn đi dặn lại “Dẫu có nghèo không được bán, rồi đợi chúng em trưởng thành ông dẫn vào, chỉ cho xem”…

Bí ẩn bên bãi đá dựng ông Chứ cúng
Bí ẩn bên bãi đá dựng ông Chứ cúng

Câu chuyện bỗng trở nên hấp dẫn lạ thường, tôi "gạ" muốn được "mục sở thị" những trang trại đó, nơi bản thân hồ nghi đang "sở hữu" nhiều nét tiềm ẩn…Vàng A Tùng đồng ý, mời cả đoàn lên xe, còn 2 anh em gia chủ lướt xe máy chạy trước dẫn đường, mau chóng lạng lách, nghiêng ngả, lắc lư qua mấy đoạn đường hẹp đủ lọt bánh xe, rồi phải dừng và tiếp bộ một quãng đường dài. Thi thoảng, lại thấy một bức ngăn bằng các loại cây to hoặc phên gỗ bắc qua rãnh nước. Tôi hỏi Vàng A Tùng:

“Chỗ này cứ như "biên giới" ý nhỉ?”.

“Dạ, đúng rồi bác! Chẳng rõ từ bao giờ, địa danh đã được phân chia - "lãnh địa" nhà ai thì nhà đó thả bò và chăn nuôi dê, gà, không ai lấy của ai bao giờ, chỉ việc đeo cho các con vật nuôi cái mõ ở cổ để nhận biết vị trí chúng nó kiếm ăn, tối tự biết về chuồng”.

Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Suốt cả chặng đường, xuất hiện 2 bên vô cùng nhiều những rặng đá nối tiếp nhau nổi lên trên những thảm cỏ, những bụi cây hoa mua, những vạt mận hậu. Từng đàn trâu, bò, dê… thoải mái nhẩn nha gặm cỏ. Bỗng, tôi nhìn thấy cả một con thuyền dài cỡ gần chục mét, nằm trỏng trơ bên lối mòn mới, quay sang gặng hỏi Vàng A Tùng:

“Sao lại có thuyền trên núi thế này?”.

“À, bác không biết đấy thôi, ở đây, nếu mưa liền 2 - 3 ngày, thì ngay lập tức, sẽ trở thành một hồ nước lớn mênh mông. Các loại súc vật tự chạy lên vách núi cao trú ẩn, chỗ này đầy cá tràn về, các gia đình tha hồ vung lưới, đánh những mẻ cá nặng tay, treo gác bếp ăn dần”.

Chốc chốc nhìn lên, lại thấy một lán gỗ trên lưng chừng núi của nhà ai đó…

Bỗng Vàng A Tùng chỉ tay về phía bên phải đường:

“Bác lên đây với em, lên đây. Bác nhìn này: Bố em đã chỉ phát hiện ra đấy, bác thấy giống bản đồ Việt Nam mình không? Ừ nhỉ, sao sự sắp xếp tự nhiên của đá vô tình như mô phỏng một Việt Nam hình chữ S thu nhỏ hẳn hoi, rất đẹp, rất dễ nhìn, rất giống…

Chưa hết đâu, bác đi theo em một đoạn nữa, chịu khó leo trèo qua một quãng vỉa đá, em cho bác biết điều này”…

Lách qua lớp dây leo, dần để lộ ra một lối mòn, tôi đoán anh em nhà Vàng A Tùng thi thoảng đã đi lại quen nên mới leo nhanh như vậy. Tôi vừa vít vào các cành cây, vừa thở ra khói mà mãi chưa tới. Tôi thấy Vàng A Tùng đi trước, dùng tay rút con dao dắt trong bao gỗ dọc sau lưng, phát quang mấy gốc chuối rừng và loạt dây leo chằng chịt - hé lộ hình thù một tảng đá to lơ lửng sườn núi. “Bác nhìn theo hướng tay em chỉ”, Tùng nói. Tôi ngước lên và không thể chớp mắt trước một… kỳ quan!

Trước mắt tôi là một tảng đá hình hài thiên tạo hơi vát, nhưng tổng thể khá tròn, đè trên một tảng đá phía dưới, nó như trực lăn xuôi theo chiều dốc núi. Tôi bò quanh 1 vòng quan sát:

“Tảng đá chỉ đặt vỏn vẹn 3 tiếp điểm trong khoảng đường kính 60 cm, mà có thể bất động hàng ngàn năm ở vị trí này sao?”.

Vàng A Tùng nói:

“Hồi khai hoang mấy chục năm trước, bố em đã phát hiện và thấy nó như thế rồi. Nhiều đêm mưa, sấm chớp đì đùng, em nằm trong lán mà giật bắn mình, khi nghe tiếng đá lăn từ trên núi xuống. Bụng bảo dạ, chắc là tảng đá đó lăn xuống rồi, nhưng sáng ra trông lên, vẫn thấy sừng sững… Còn chuyện nữa - rất li kỳ, em kể, chắc bác sẽ thấy rất khó tin:

“Tảng đá này, cũng chính là nơi bố em - ông Chứ cúng khi trước em kể đó, ông ấy chọn làm lễ Giàng tại đây và đã cứu sống rồi nhận làm con nuôi mấy chục con người.

Người ta chỉ cần cắt một cái thủ lợn, to hay nhỏ cũng được, đặt lên mâm xôi tế Giàng và Thần Đá, bố em sẵn sàng ra tay giúp họ cải vận”!...

Tôi gặng hỏi:

“Vậy bây giờ, Vàng A Vừ kế nghiệp ông Chứ cúng, liệu có làm được điều tương tự như thế không?”

“Dạ, có!”

Và, để minh chứng cho những thắc mắc của tôi, Vàng A Vừ đã chạy xuôi dốc, nhảy qua những ụ đá xuống lán, lấy lên một quả trứng gà. Vàng A Vừ vừa đặt trái trứng, miệng vừa lẩm nhẩm câu gì đó như trì trú. Lạ thật, bất cứ điểm nào, kể cả trên đầu nhọn mọc lên từ những hốc đá, đều có thể đặt trái trứng đứng im không lăn đổ. Về phương diện vật lý, tôi thầm nghĩ, đã có một lực hấp dẫn vô cùng lớn mới có thể "níu chân" trái trứng, cũng như tảng đá cực đại ở tư thế mong manh như thế này.

Đâu đó, xuất hiện những kỳ quan mà tôi từng được biết, có lẽ cũng chỉ "ngoạn mục" đến cỡ này mà thôi. Bí ẩn nét tâm linh pha lẫn chút khó lý giải khoa học.

Tôi đã từng nghĩ rằng, ở một nơi hoang sơ, thơ mộng, kỳ ảo như thế này, mà nay mai nhỡ mà "lọt vào mắt xanh" của những nhà đầu tư, kinh doanh du lịch…; đầu tư theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, mô phỏng những nếp nhà sàn H'mông tạo nên thưa thoáng những homestay, chạy dọc theo những vỉa núi đá lững lờ triền núi này, thì tuyệt vời lắm? Con người nơi đây thân thiện, cảnh vật đúng thiên nhiên tạo, khẽ phác nên một Đồng Văn ở Mộc Châu mà nếu ai biết tới, chắc cũng sẽ muốn được khám phá, chinh phục…

“Vàng A Tùng à! Ông Chứ cúng đã để lại cho các con cháu một "vựa di sản" đấy!”.

Tôi vỗ vai Vàng A Tùng và giãi bày:

“Xin phép anh em Vàng A Vừ và Vàng A Tùng, khi về dưới xuôi, tôi sẽ đem câu chuyện của ngày hôm nay, kể lại cho mọi người được biết. Tôi hy vọng, những mùa xuân sau, sẽ đem lại cho Mộc Châu thêm một điểm đến điền dã, bên cạnh những địa danh đã góp mặt trên bản đồ du lịch quốc gia: Chùa Hang Dơi, rừng thông Bản Áng, thác dải yếm, cầu kính Bạch Long, Happy Land, đồi chè trái tim, rừng mận NàKa, Nông trại bò sữa… Bên cạnh một số nhà hàng ẩm thực nổi tiếng: Cá hồi Chiềng Đi, Gà nướng Tuân Gù, sữa chua nếp cẩm… có được không?...

Tôi đánh giá cao nhất - chính là sự niềm nở, thân thiện và cởi mở của người Tân Lập. Đó mới là yếu tố tiên quyết, mở rộng vòng tay đón làn gió chuyển đổi sang phát triển mô hình "Công nghiệp không khói" trong nay mai của vùng đất tiềm năng này…

Mạn phép, tặng lại số điện thoại của Vàng A Tùng để mọi người có thể liên hệ đường đến "Thiên đường Đá - Cỏ" Tân Lập: 0333.678.687.

Ghi chép của Nguyễn Đình Ánh