Năm 2014 khép lại, nhưng hành trình gian nan đi đòi bản quyền cho nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa (SGK) vẫn chưa có hồi kết. Vấn đề này đã trở thành một “ điểm nóng” trong năm, không chỉ thu hút sự chú ý của giới sáng tác mà cả giới truyền thông và công chúng yêu văn học cũng quan tâm.

Hơn chục năm có nhiều tác phẩm được sử dụng làm tài liệu giảng dạy SGK, tiền bản quyền cho tác giả chỉ khoảng 200-300 nghìn đồng. Nếu  không có một tổ chức đứng ra đòi quyền lợi cho nhà văn thì thậm chí số tiền ít ỏi này có nguy cơ “ bị quên”, và tác giả cũng không hề nhận được một lời xin phép hay thông báo về việc tác phẩm của mình được sử dụng rộng rãi. Thực tế này đang khiến nhiều người văn bức xúc.

Tháng 4 -2014, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thuộc hội Nhà văn Việt Nam đã rà soát, khảo sát toàn bộ SGK Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và sách Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 của Nhà Xuất bản Giáo dục (NXBGD). VLCC đã thống kê trong các cuốn sách này có rất nhiều tác phẩm của gần 600 tác giả, được sử dụng ổn định, liên tục và tái bản nhiều lần trong nhiều năm. Tuy nhiên, rất nhiều tác giả chưa hề nhận được một đồng nhuận bút, thậm chí họ còn không hề biết việc tác phẩm của mình đã được sử dụng trong SGK suốt một thời gian dài. Ngày 28-5, VCLL đã gửi công văn đến NXBGD đề nghị đơn vị này thực hiện việc trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK. Ngày 14-8, hai bên đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên để bàn thảo. Ngày 18-11, VLCC đã có cuộc họp với Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và đại diện các tác giả có liên quan.

Cuộc họp lần thứ 5 giữa VLCC và NXBGD diễn ra vào ngày 5-12, để đi đến thống nhất việc trả tiền tác quyền cho các tác giả, tuy nhiên hai bên không nhất trí được phương thức chi trả cho các tác giả. Ngày                                                                                 9-12, VLCC đã tổ chức “ hội thảo về quyền tác giả với tác phẩm văn học”. Tại Hội thảo, những khó khăn trong hành trình đòi quyền lợi cho các nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong SGK đã được chia sẻ. Nhiều nhà văn đã bức xúc khi vấn đề bản quyền cho các nhà văn bị bị NXBGD “ bỏ quên” suốt nhiều năm qua. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ bày tỏ: “ Khi làm việc với NXB GD, chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm bởi họ cân đo đong đếm, bắt tính từng đồng. Mấy tiếng đồng hồ ngồi đàm phán nhưng không đi đến đâu, Vì thế, tới đây có thể VLCC gửi công văn dừng đàm phán với NXBGD, đồng thời kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và cấp cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng có phương án là căn cứ vào các nghị định và quy định  của pháp luật để kiện NXBGD dùng những tác phẩm không phép từ hơn 10 năm nay”.

2 Sự việc thu hút được sự quan tâm của dư luận bởi lẽ: Bản quyền cho tác giả là một trong những quyền được pháp luật bảo hộ; thế nhưng tại sao ở một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo uy tín như NXBGD lại có thể “ bỏ quên” quyền lợi của các nhà văn lâu như vậy? Mặc dù NXBGD bày tỏ thiện chí hợp tác trong việc rà soát, thực hiện chế độ tác quyền cho các nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong SGK, thế nhưng mức nhuận bút họ chấp nhận trả cho nhà văn bèo bọt đến ngỡ ngàng. Số tiền bản quyền nhà thơ Đặng Hiển “ may mắn” được nhận từ NXB cho những tác phẩm của ông được đưa vào SGK suốt 30 năm qua là 100.050 đồng. Sở dĩ nói ông “ may mắn” vì ít ra ông còn được NXB nhớ đến, và xin phép khi sử dụng tác phẩm.

Được biết, trong nhiều cuộc làm việc để giải quyết chế độ cho các nhà văn, NXBGD thương đưa lời thanh minh rằng việc làm sách là vì sự nghiệp giáo dục chung. Thế nhưng, SGK in ra không hề được phát miễn phí. Theo tài liệu VLCC cung cấp, thì: Tổng dự tính doanh thu bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 ( chương trình không phân ban) của NXBGD trong năm 2014 và tái bản từ năm 2002 đến 2013 là hơn 434 tỷ đồng, trong khi đó, NXBGD chỉ trả 10 đến 15% nhuận bút của tác giả soạn SGK cho tác giả tác phẩm văn học). Căn cứ con số này thì chỉ từ năm 2006 đến 2013, NXBGD đã “ nợ” các tác giả số tiền lên tới con số 12 tỷ đồng.

Câu chuyện bản quyển ở Việt Nam, dù được pháp luật bảo hộ, nhưng mức độ khả thi của nó vẫn là điều phải bàn. Không ít nhà văn, sau nhiều lần chứng kiến cảnh tác phẩm của mình bị ngang nhiên cho vào các tuyển tập mà tác giả không hề được xin phép và cũng không hề nhận được tiền nhuận bút, đã đành thở dài, bởi có đi kiện thì vừa mất thời gian, vừa ức chế nên đành chấp nhận. Hành trình đòi tiền bản quyền không chỉ gian nan mà còn khiến nhiều nhà văn thấy mình bị tổn thương, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm. Việc làm cương quyết của VLCC trong việc dòi tác quyền cho các nhà văn có tác phẩm sử dụng trong SGK chắc chắn không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, tuy nhiên nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong các vụ việc tương tự sau này.

Năm 2014 khép lại. Mong rằng trong năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến được những chuyển động tíc cực trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả. Lao động của nhà văn sẽ được tôn trọng và tác phẩm của họ sẽ được nhận tác quyền đúng theo quy định của pháp luật. Đó cũng là tiêu chí của một xã hội dân sự, văn minh.

Theo Thời Nay