Liên quan đến việc báo cáo môi trường Hà Nội gửi Quốc hội năm 2019 lấy số liệu 2005, ngày 11/10, trả lời VTC News, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận bộ phận làm báo cáo của Bộ đã chủ quan trong khâu tổng hợp số liệu để làm báo cáo gửi Quốc hội.

“Khi Bộ Tư pháp thực hiện báo cáo gửi Quốc hội, báo cáo của Bộ Tài Nguyên - Môi trường và báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi đến Bộ Tư pháp không có các số liệu về chỉ số ô nhiễm nên anh em tham khảo và tổng hợp ở một số nguồn từ trên mạng và báo chí.

Trong đó, một báo số ra năm 2018 đưa nội dung này nhưng bài báo không dẫn nguồn từ năm nào nên anh em hơi chủ quan đưa vào.

Vừa rồi tôi cũng kiểm tra việc này và đúng là tờ báo này số ra năm 2018 nhưng không trích nguồn số liệu từ năm nào”, ông Hiếu cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (Ảnh: Quốc hội)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (Ảnh: Quốc hội)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết đây mới là dự thảo nên các số liệu chưa được chuẩn hóa. Sau khi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, Bộ Tư pháp sẽ chỉnh lý lại để có báo cáo chính thức.

 “Sau khi thẩm tra, nội dung nào chưa đạt hay cần bổ sung thì Bộ Tư pháp sẽ bổ sung để chính thức gửi cho các đại biểu Quốc hội”, Thứ trưởng Hiếu nói.

Về quy trình thực hiện báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, trong dự thảo báo cáo vẫn có số và có chữ ký. Khi Bộ Tư pháp trình Chính phủ và được Chính phủ đồng ý thì Bộ trưởng Tư pháp sẽ ký thừa ủy quyền để gửi các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra.

“Vì Quốc hội yêu cầu gửi báo cáo là báo cáo chính thức. Nhưng sau khi thẩm tra, bao giờ Bộ Tư pháp cũng phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn chỉnh lại báo cáo, có báo cáo giải trinh tiếp thu các ý kiến, thẩm tra và điều chỉnh nội dung trong báo cáo để thành Báo cáo chính thức cuối cùng”, ông Hiếu nói thêm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho biết, hiện Bộ này đang phối hợp với Bộ Tài Nguyên - Môi trường và UBND TP Hà Nội để có số liệu chính thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Nội để bổ sung vào báo cáo.

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang là vấn đề nổi cộm được nhiều người quan tâm

Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang là vấn đề nổi cộm được nhiều người quan tâm

Như VTC News đưa tin, trong báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô ngày 19/7/2019 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ Tư pháp nêu những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thi hành Luật Thủ đô.

Cụ thể, quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô đã được ban hành, tuy nhiên, việc đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề... phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải với công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu dẫn đến chi phí đầu tư cao.

 Ô nhiễm nguồn nước và không khí trên địa bàn thành phố đang xảy ra khá phổ biến. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã của Thành phố cho thấy đã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường.

Chính phủ đánh giá, tốc độ đô thị hóa của Thành phố càng diễn ra nhanh chóng bao nhiêu, thì đi kèm với đó là chất lượng môi trường đã và đang giảm sút nghiêm trọng.

Báo cáo cũng nêu: “Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2; trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công”.

Tuy nhiên, số liệu này đã được công bố rộng rãi trên báo chí từ cuối năm 2005, tức là từ 14 năm trước, trước khi Luật Thủ đô có hiệu lực 8 năm.

Theo VTC News