Ở góc độ tích cực, dịch COVID-19 là chiếc lò xo giúp thương mại điện tử bật xa hơn dự kiến. Nhu cầu mua hàng online tăng cao, kéo theo số lượng người bán tham gia kênh này cũng bùng nổ. Tuy nhiên, như một điều tất yếu, "chợ" đông thì khó quản. Sự trà trộn của hàng giả, hàng nhái, cũng nhiều hơn. Thậm chí, việc rao bán những loại hàng này còn ngang nhiên và công khai hơn so với thương mại truyền thống.
Theo khảo sát trên một trang thương mại điện tử, túi người bán chỉ ghi là Dio, thiếu chữ R tránh sự kiểm tra, kiểm duyệt của các sàn thương mại điện tử. Giá của chiếc túi xách hàng hiệu này chỉ có 97.000 đồng. Cùng một sản phẩm giày hàng hiệu, nhưng người thì bán vài triệu, người lại bán chỉ hơn 200.000 đồng, thậm chí chỉ vài chục nghìn.
Ông Linh cũng cho biết, để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Hàng hóa trong kho chứa hàng có dấu hiệu hàng lậu, giả mạo tại Lào Cai
Theo ông Trần Hữu Linh, chiêu trò của những đối tượng bán hàng giả là, đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng và lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.
Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn TMĐT để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.
Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý, lưu trữ và xử lý càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể.
Hiện nay, công cụ chính để các sàn thương mại điện tử và cơ quan chức năng giám sát việc bán hàng giả, nhái trên mạng là công cụ sử dụng "chìa khóa". Thế nhưng, các đối tượng cũng nhanh chóng tìm cách để lẩn tránh.
"Ví dụ như Nike chẳng hạn, họ viết là N.I.K.E, họ thay cái từ khóa đi để không bị phát hiện. Đây nó như trò đuổi bắt. Chúng ta phát hiện ra từ khóa mới là hàng giả, nhái mới cập nhật vào thì họ lại nghĩ ra các từ khác", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ.
Thiên Trường