Mặc dù xe cơ giới đường bộ đã phải chịu đăng kiểm về an toàn kỹ thuật cũng như môi trường theo định kỳ nhưng mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục ban hành Thông tư 53 (TT53) quy định về bảo dưỡng xe định kỳ. Các nhà sản xuất xe “ vỗ tay ủng hộ” bởi nhiều khi bán xe không lãi bằng… bảo dưỡng, thay thế phụ tùng. Nhưng với chủ sở hữu xe thì việc phát sinh “ giấy phép con” này chỉ thêm phiền phức, dễ sinh tiêu cực.

Ý tưởng tốt, nhưng thừa!

TT53 quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1-12 tới đây. Theo đó chủ sở hữu gồm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải bảo dưỡng xe sau một thời gian chạy nhất định. Cụ thể, xe ô – tô con đi từ 5.000 -10.000 km hoặc thời gian sáu tháng; xe ô-tô chở người, xe ô –tô chuyên dùng từ 10 chỗ chở lên đã đi từ 4.000 -8.000 km hoặc 3-6 tháng; xe ô- tô tải, xe ô- tô tải chuyên dùng, sơ-mi-rơ-mooc các loại , xe ô-tô chuyên dùng đi từ 4.000-8.000 km hoặc thời gian đi từ 3-6 tháng phải thực hiện bảo dưỡng. Các xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ, phải có biên bản giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Bên cạnh đó, TT53 cũng quy định, đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng xe thường xuyên trước và sau mỗi chuyến đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc quy định bảo dưỡng định kỳ  là cần thiết bởi hiện tỷ lệ trung bình không đạt của xe cơ giới kiểm định lần đầu là 33%. Xe tham gia giao thông gây tai nạn do nỗi về kỹ thuật vẫn chiếm khoảng 1%. Tuy nhiên, trên phương diện người sử dụng, nhiều người cho rằng, đây là một quy định thừa. Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ba Sao ( thương hiệu taxi Ba sao), cho biết: Không có thông tư này thì chúng tôi vẫn làm hằng ngày, hằng tháng bởi an toàn là yếu tố sống còn của DN. Với xe ô –tô cá nhân, tôi nghĩ việc tuân thủ bảo dưỡng định kỳ còn nghiêm ngặt hơn. Giờ thêm thông tư này, cũng chỉ là trên giấy tờ. Muốn làm cho ra làm thì Bộ GTVT sẽ phải rà soát, cấp phép cho các gara đạt tiêu chuẩn thì chứng nhận của họ chuyển tới trung tâm đăng kiểm mới có giá trị. Như vậy khác nào lại đẻ ra thêm một giấy phép con “ hành” DN… từ đó sẽ kéo thêm nhiều chi phí, có thể dẫn tới đẩy giá cước vận tải.

Chồng chéo và… lãng xẹt

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nếu chấp hành theo TT53 thì để vận hành một chiêc ô-tô chạy trên đường, lái xe phải cõng hơn chục loại giấy tờ như: Đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy đăng kiểm, Tem sử dụng đường bộ, biển hiệu tuyến cố định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, đăng ký chất lượng vận tải, thông báo niêm yết giá cước… với ngần ấy loại giấy tờ, chưa kể các loại khẩu hiệu, đường dây nóng… phải dán ở nơi dễ quan sát theo quy định, chiếc xe ô – tô chẳng khác nào một tấm biển quảng cáo (!?).

Một phương tiện chạy trên đường đã có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được các trung tâm đăng kiểm cấp thì cũng đã phải “ khám xe” định kỳ. TT53 có vẻ đã gây ra sự chồng chéo và phiền phức cho người sử dụng xe. Một số chủ xe vận tải còn hoài nghi, đưa ra quy định bảo dưỡng định kỳ để có giấy chứng nhận, liệu chất lượng phương tiện có bảo đảm hơn hay lại sinh ra tiêu cực, phát sinh tình trạng “ mua” tem? Đáng nói, dù TT53 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12 tới đây, nhưng lại không có điều khoản cũng như chế tài để áp dụng.

Ông Trần Quang Hà, phó Vụ trưởng Khoa học công nghệ ( Bộ GTVT) phân trần, ý định ban đầu khi xây dựng Dự thảo Thông tư cũng quy định điều kiện thi hành như đưa vào sổ bảo hành làm cơ sở để đăng kiểm nhưng nhiều ý kiến phản đối, cho rằng tăng thêm thủ tục hành chính cho người sử dụng. Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định việc duy trì an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm là do chủ phương tiện tự quyết định. Vì vậy, TT53 không đưa ra các chế tài để thi hành. TT53 ban hành chỉ mang tính chất khuyến khích các chủ phương tiện cũng như DN quan tâm việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ phương tiện. Đặc biệt đối với các phương tiện mà không còn hồ sơ, giấy tờ hướng dẫn về quy trình bảo dưỡng xe thì có thể căn cứ vào TT53 này.

Vấn đề ở đây là Thông Tư, một văn bản luật hướng dẫn thi hành các quy định pháp quy, mà ban hành lại “ chỉ mang tính chất khuyến khích” và vô hình trung đã khiến các DN cũng như người sở hữu phương tiện lo lắng về việc phải “ cõng” thêm một loại giấy tờ nữa? Mặt khác, một việc thừa mà chưa chắc đã đạt được mục tiêu về an toàn kỹ thuật thì liệu có nên làm?

Theo Thời nay