Nhằm đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc; năm 2022 tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ chính gồm: Mở lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật; xây dựng các mô hình; khôi phục, bảo tồn trang phục của nhóm dân tộc ít người; lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và sưu tầm chụp ảnh tổng thể trang phục.
Theo đó, tổ chức mở lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức trồng bông dệt vải, kỹ thuật thêu, trang trí hoa văn ghép vải 03 dân tộc Tày, Nùng, Thái tại 11 xã trên địa bàn tỉnh: Dân tộc Tày (người Thu Lao) ở xã Tả Gia Khâu; Người Pa Dí ở thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương); dân tộc Tày xã Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn); dân tộc Nùng (người Nùng Dín) ở các xã Nấm Lư, Pha Long, Thanh Bình (huyện Mường Khương), xã Na Hối (huyện Bắc Hà), xã Bản Mế (huyện Si Ma Cai); dân tộc Nùng (người Nùng An) ở xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên); dân tộc Thái ở xã Dương Quỳ và xã Thẩm Dương (huyện Văn Bàn).
Cùng với đó tổ chức mở lớp truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật, cách thức trồng lanh, bông dệt vải, kỹ thuật thêu, trang trí hoa văn ghép vải 2 dân tộc Mông, Dao: Dân tộc Mông ở 06 xã (xã Nậm Chày, Nậm Xé - huyện Văn Bàn; xã Bản Phố - huyện Bắc Hà; xã Lùng Thẩn - huyện Si Ma Cai; xã La Pan Tẩn - huyện Mường Khương; xã Liên Minh - thị xã Sa Pa); dân tộc Dao ở 6 xã (xã Tân An - huyện Văn Bàn; xã Cốc Mỳ - huyện Bát Xát; xã Phúc Khánh - huyện Bảo Yên; xã Tả Phìn - thị xã Sa Pa; xã Sơn Hà - huyện Bảo Thắng; xã Dền Sáng - huyện Bát Xát).
Thực hiện xây dựng các mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục gồm: Mô hình bảo tồn may, thêu trang phục dân tộc Mông tại thị xã Sa Pa phục vụ phát triển du lịch; 02 mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn, trang sức dân tộc Dao, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng và dân tộc Mông, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai. Khôi phục, bảo tồn trang phục của nhóm dân tộc ít người La Chí tại xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà và người Mông Trắng tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa.
Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trang trí trên trang phục người Thu Lao huyện Si Ma Cai và người La Chí huyện Bắc Hà. Sưu tầm chụp ảnh tổng thể trang phục, trang sức, mẫu hoa văn dân tộc Hà Nhì, La Chí phục vụ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng phát triển bền vững văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh và góp phần cho kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.
Nguyễn Mạnh