Đối với bầu Đức, bóng đá vừa là niềm đam mê, vừa là một lĩnh vực kinh doanh.
Hai điều ấy chưa bao giờ tách rời. Lĩnh vực đầu tư bóng đá đã thể hiện toàn bộ triết lý kinh doanh của ông bầu phố Núi.
Bầu Đức và tỷ phú đô-la Warren Buffett
Ngoài việc cùng sở hữu rất nhiều tiền ra thì ông bầu Đoàn Nguyên Đức và tỷ phú người Mỹ, “nhà hiền triết vùng Omaha” Warren Buffett có điểm gì chung?
Thực ra là khá nhiều. Bầu Đức bắt đầu sự nghiệp là một anh thợ mộc đóng bàn ghế cho học sinh. Warren Buffett năm 14 tuổi kiếm tiền bằng việc đưa báo, sau đó là kinh doanh những chiếc máy bắn bóng đặt trong tiệm cắt tóc.
Bầu Đức luôn có sẵn những bước tính dài
Bầu Đức có chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 trị giá 7,5 triệu USD thì năm 1989, Warren Buffett cũng đã phải quyết định dùng 9,7 triệu USD trong ngân sách hãng Berkshire để mua chiếc máy bay cá nhân rồi đặt tên cho nó là... “Khó cưỡng quá” (The Indefensible) bởi chính ông đã từng chỉ trích những gã nhà giàu chơi ngông mua máy bay như vậy.
Nhưng có lẽ vượt lên trên hết, hai con người này có nhiều tương đồng trong triết lý kinh doanh.
Warren Buffett có một câu nói kinh điển: “Hãy sợ hãi khi những người khác tham lam. Hãy tham lam khi những người khác sợ hãi”.
Bầu Đức không nói câu gì tương tự mà đã áp dụng câu nói của Warren Buffett một cách khá triệt để trong bóng đá.
Còn nhớ thời điểm năm 2001, khi bóng đá Việt Nam đang chập chững quá trình chuyên nghiệp hóa, tất cả đều nhìn bóng đá chuyên nghiệp một cách hồ nghi, e ngại thì bầu Đức đã làm một cú đột phá: dốc 8 tỷ mỗi năm đầu tư cho bóng đá Gia Lai. Con số ấy chỉ tương đương 1% doanh thu của HAGL năm 2001 nhưng đủ khiến cả làng bóng nháo nhào.
Nên nhớ ở thời điểm đó, các đội bóng ở V.League chỉ nhận được từ nhà tài trợ Strata số tiền chỉ là 1,4 tỷ. HAGL với một Dream Team ra đời đã thể hiện sự tham lam về thành tích và danh hiệu. Thành công thật nhanh, càng nhanh càng tốt. Với những Kiatisak, Dusit, Hữu Đang, Phi Hùng, Mạnh Dũng, Minh Đức..., bầu Đức đã có được điều mình cần: đó là danh hiệu vô địch ngay năm đầu tiên dự V.League.
Cách làm tung tiền ra đốt cháy giai đoạn gặt hái thành công ấy của bầu Đức vừa tham lam vừa mạo hiểm lại trở thành một thứ “mốt” ở V.League.
Bắt đầu là những cơn sốt, những hợp đồng tiền tỷ, những vụ chuyển nhượng đi đêm, tiền lót tay...
Khi V.League tham lam là lúc bầu Đức sợ hãi. Tài nguyên con người không phải là thứ tài nguyên vô tận, đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá. Cần phải đào tạo, chăm bón, vun trồng từ gốc. Nỗi sợ hãi thoáng nhẹ ấy khiến bầu Đức dần rút khỏi những thương vụ chuyển nhượng đình đám để rồi đưa ra một quyết định mang tính đột phá: dỡ bỏ cả chục hecta cao su để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG.
Trong kinh doanh, bầu Đức tuyên bố: “Hãy tin vào những dự cảm của mình chứ không nên bị chi phối hay tác động bởi các dự đoán của người khác, thậm chí là tổ chức nước ngoài...”
Câu chuyện bầu Đức mở Học viện bóng đá nó là cơ duyên, là sự tình cờ thú vị. Ông bầu phố Núi tới London năm 2006 chỉ với mục đích đặt biển quảng cáo HAGL trên sân Emirates. Nhiều người nói, bầu Đức bị giáo sư Wenger “dụ” mở Học viện đào tào bóng đá trẻ.
Trên thực tế nó chứng tỏ một dự cảm mang tính thiên tài của bầu Đức: cầu thủ trẻ bóng đá là nguồn tài nguyên rất có giá sau này. Có quá nhiều yếu tố để bầu Đức tin vào dự cảm của mình: ông có vốn, có đất đai, có một đội bóng đang chơi ở V.League và quan trọng là việc mở Học viện mang tính đột phá.
2 triệu USD góp vốn với Arsenal không phải là khoản tiền nhỏ. Thế nhưng, nói như bầu Đức: “Tôi làm cái gì cũng tính đến chín mười bước chứ không phải một hai bước, tuy nhiên không phải lúc nào sự mạnh mẽ, táo bạo cũng được ủng hộ, sự tiên phong ấy đôi lúc phải nhận nhiều lời chỉ trích hơn là hưởng ứng, thậm chí kèm theo đó là hàng loạt những thị phi. Nhưng thực tế nếu không có quyết định táo bạo thì khó thành việc lớn...”
Khi mở học viện, bầu Đức bị tiếng là chơi ngông. Ngông là phải khi mà hầu hết các đội bóng khác không hề quan tâm đến đào tạo mà cho rằng: “Chỉ cần tiền là có cầu thủ giỏi”.
Nhưng có lẽ “con người kinh doanh” đã mách bảo “con người bóng đá” trong bầu Đức rằng việc tạo ra mảnh đất ươm trồng tài năng trong bóng đá không chỉ giúp niềm đam mê trái bóng của bầu Đức dài lâu, hơn thế Học viện HAGL Arsenal là một câu chuyện kinh doanh nghiêm túc, không mơ mộng và chắc chắn sinh lời.
Buffett nói: “Giá là những gì chúng ta phải trả. Giá trị là những gì chúng ta nhận được”. Trên thực tế, điều mà bầu Đức nhận được từ Học viện bóng đá chưa phải là giá, mà là giá trị, là sự thừa nhận về một mô hình, một cách làm sau thành công của U 19 Việt Nam.
Triết lý tiêu tiền của bầu Đức
Đã có thời bầu Đức tiêu tiền theo đúng cách một anh nông dân (theo cách nói của ông Đức) giàu có. Tức là tiêu tiền không cần đếm. Có thời, HAGL cứ đá hay là được thưởng tiền tấn. Rồi có những lúc bầu Đức chi rất tùy hứng. Chính cái hứng bất thường này suýt nữa khiến bầu Đức gặp nạn.
Đó là câu chuyện đồn thổi bầu Đức cho tiền tổ trọng tài sau một trận đấu ở sân Pleiku cách đây gần chục năm. Đúng là bầu Đức cho trọng tài tiền thật, cho vào phong bì hẳn hỏi. Nhưng sự thật khoản tiền ấy là tiền... lì xì mà chính ông bầu này thừa nhận: “Đến người gác cổng, bà lao công cũng được nhận tiền, sao nói tôi hối lộ”. Dạo ấy tin đồn bầu Đức bị khởi tố chẳng khác nào cơn sóng thần ập vào phố Núi.
“Con người kinh doanh” nói với “con người bóng đá” trong bầu Đức rằng: không được tùy tiện với đồng tiền, nhất là ở lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và có tác động nhiều tới xã hội như bóng đá.
Sau này, trong các diễn đàn kinh tế, bầu Đức chia sẻ: “Những người doanh nhân thành đạt thật sự không bao giờ sử dụng đồng tiền một cách tùy tiện”.
Từ chỗ vung tiền không tiếc tay trong bóng đá, từ chỗ “đi đầu” trong việc dung tiền “câu cầu thủ”, bầu Đức đã “xót” đồng tiền trong bóng đá của mình hơn. Sự “xót” ấy lên đến đỉnh điểm khi bầu Đức buột miệng: “Cầu thủ bây giờ mất dạy” khi nói về một cầu thủ trẻ do HAGL đào tạo nhưng vì tiền mà cập bến khác.
Nó là cái “xót” của “con người kinh doanh” khi nhận thấy đồng tiền đầu tư của mình, dù là một xu - đã bị thất bại.
“Nguyên tắc thứ nhất: Không để bị mất tiền. Nguyên tắc thứ hai: hãy nhớ thật kỹ nguyên tắc thứ nhất”- Warren Buffett đã đưa ra triết lý kinh doanh của mình như thế.
Tất nhiên bầu Đức, cũng như Warren Buffett, cũng có những lúc thất bại cay đắng trong kinh doanh. Nhưng “trứng không bao giờ để chung một rổ” sự khác biệt của người thành công chính là tiên lượng được thất bại và đưa ra được những phương án dự phòng
“Trong kinh doanh cần phải có các phương án dự phòng, chúng tôi luôn chuẩn bị cho mình kịch bản để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nói tóm lại là tôi chưa bao giờ sống trên mây mà luôn luôn chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất rằng khủng hoảng có thể đang ở sau lưng mình...”
Phương án dự phòng của bầu Đức chính là lứa cầu thủ U19 và ngay sau đó là lứa U17 và khóa U13 đng tuyển sinh trong năm nay. Đó là sự dự phòng cho cuộc khủng hoảng của cầu thủ nội đã và đang hiển hiện rất rõ nét.
Nhiều người sẽ bất ngờ khi bầu Đức nói về mục đích kiếm tiền của mình: “Nhiều người cho rằng lập doanh nghiệp là để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền, nhưng đấy không phải là mục đích của chúng tôi. Khiến cho nhân viên vui vẻ làm việc và trưởng thành, khiến cho khách hàng hài lòng về dịch vụ, khiến xã hội nhận thấy được giá trị trong sự tồn tại của chúng tôi, đó mới là trách nhiệm, sứ mệnh của chúng tôi...”
Triết lý trong việc dùng tiền này đã dẫn đến một câu chuyện khác, câu chuyện về đội U19 Việt Nam mà nòng cốt là U 19 Học viện HAGL…
Theo TTVN