Thời gian qua, trên Internet cũng như tại các thành phố xuất hiện nhan nhản các quảng cáo, tờ rơi chào mời vay tín chấp và hỗ trợ tiêu dùng từ nhiều công ty và tổ chức cho vay vốn. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời “hấp dẫn”, với thủ tục cho vay vô cùng dễ dàng là cả một “cạm bẫy” ngầm có thể khiến nhiều người sạt nghiệp.
Nhan nhản dịch vụ cho vay tín chấp
Trong bối cảnh khó khăn về tài chính, nhu cầu “vay nóng” đang nở rộ. Đón được nhu cầu, những thông báo trên mạng, dán trên tường hoặc tờ rơi quảng cáo các chương trình hỗ trợ tín dụng xuất hiện nhiều vô kể, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều thành thị trong cả nước.
Trong vai một khách hàng cần vay vốn, chúng tôi đã gọi vào số điện thoại trên tờ thông báo: “Vay vốn ngân hàng không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập; hỗ trợ sinh viên các khoản tín dụng từ 5 đến 10 triệu đồng; hạn mức cho vay đến 500 triệu đồng” (được dán ở Thanh Xuân, Hà Nội) để hỏi rõ nội dung chương trình.
Chúng tôi được một người đàn ông tên H, tự nhận là nhân viên một hãng bảo hiểm có chi nhánh trên địa bàn Hà Nội hướng dẫn: “Thủ tục vay rất đơn giản, anh chỉ cần cung cấp cho chúng tôi các loại bản sao giấy tờ như sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú KT3); chứng minh thư; bằng lái xe; hợp đồng Lao động; bảng lương - xác nhận lương của 2 tháng gần nhất; một trong số các loại hóa đơn tiền điện, nước... Tất cả các bản sao các loại giấy tờ trên đều không cần công chứng, chỉ cần chính xác và hợp lệ là công ty sẽ giải ngân cho anh trong vòng 3 - 5 ngày”.
Nhân viên tín dụng này còn lý giải, số tiền vay và thời hạn vay tùy vào khả năng thu nhập của người vay: “Ví dụ thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng, thì chỉ có thể vay tối đa 30 triệu đồng, lãi suất 1,8% - 2%, tiền vay càng lớn lãi suất càng hạ. Thời gian vay ít nhất phải là 1 năm. Trường hợp người vay tất toán sớm hơn sẽ bị phạt lỗi vi phạm hợp đồng, với mức lãi suất 2% - 4% của số gốc vay còn lại”.
Liên hệ với nhiều chương trình cho vay tín chấp, “hỗ trợ tiêu dùng” của các hãng bảo hiểm hoặc các ngân hàng khác, chúng tôi đều nhận được những hướng dẫn tương tự, thậm chí điều kiện vay còn dễ dãi hơn.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu là người thận trọng sẽ thấy rằng, ẩn sau những thủ tục đơn giản là một “cạm bẫy” mà không phải ai cũng nhận ra. Mức lãi suất được cho là “thấp”, chỉ 1,8% - 2% tháng, và thời gian đáo hạn dài tưởng là có lợi cho người vay, nhưng không phải vậy. Cụ thể, với mức 2% tháng, trong vòng 1 năm, người vay sẽ phải chịu mức lãi 24%.
Nếu là 2 năm thì tiền lãi tương ứng sẽ là 48%, thời gian càng dài thì người vay càng bất lợi. Có thể thấy, mức lãi suất và quy định thời gian vay kiểu như trên là “không hề thấp”, thậm chí là “cắt cổ”. Chưa kể, nếu người vay trả trước thời hạn hay quá thời hạn… sẽ bị phạt theo mức lãi suất mà người cho vay quy định. Những “cạm bẫy” như vậy rất dễ khiến người vay rơi vào tình cảnh đã túng quẫn lại càng túng quẫn hơn, nếu không tỉnh táo.
Lao đao vì vay tín chấp
Thời gian vừa qua đã không ít người, đặc biệt là giới viên chức văn phòng rơi vào những “cạm bẫy” kiểu như trên. Chị Nguyễn Thanh Loan (Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Do cần một khoản tiền gấp để giúp gia đình, tôi đã tìm đến chương trình “vay tín chấp” hỗ trợ vay tiêu dùng của một ngân hàng. Lúc nhân viên chào mời họ đưa ra lãi suất rất hấp dẫn chỉ 1,3%/tháng. Tôi vay được 90 triệu đồng, trong thời hạn 3 năm, mức lãi phải trả mỗi tháng gần 1,2 triệu đồng. Được một tháng, nhận thấy lãi suất như vậy là khá cao, tôi muốn thanh lý hợp đồng, tuy nhiên bên ngân hàng bắt tôi phải trả khoản lãi 14 triệu đồng của 1 năm (bao gồm cả tiền bị phạt).
Như vậy, với khoản vay 90 triệu đồng, chỉ trong vòng 1 tháng tôi đã phải trả cả gốc lẫn lãi và cả tiền phạt 104 triệu đồng. Đành phải “cắn răng” để thoát ra, chứ để hết hạn 3 năm số tiền lãi sẽ nhân lên thành 46,8% thì… càng chết”.
Cũng rơi vào tình cảnh ngậm đắng nuốt cay vì không tỉnh táo khi lỡ vay tín chấp, anh Nguyễn Văn Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết: “Tôi vay 20 triệu đồng mua xe, trả góp trong vòng một năm. Lãi suất công ty tính ban đầu là 25%/năm. Tuy nhiên, sau 3 tháng thì công ty điều chỉnh tăng tiền trả nợ. “Bức xúc, tôi gọi đến công ty hỏi thì nhân viên trả lời, theo hợp đồng, cứ 3 tháng sẽ tính lại lãi vay, mức lãi được điều chỉnh theo lãi suất thị trường. Khi tôi bày tỏ muốn tất toán sớm, nhân viên trên cho biết nếu trả nợ trước hạn thì khách hàng phải đóng phạt 2% trên giá trị tiền vay còn lại. Kiểu gì thì khách hàng cũng thiệt đủ đường”, anh Thành nói.
Khách quan mà nói, ưu điểm có thể nhìn thấy ngay của hình thức “vay nóng” hay “vay tín chấp” hỗ trợ tiêu dùng, có thể giúp người ta vượt qua những khó khăn tạm thời. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hình thức “vay nóng” chỉ được xem là giải pháp tài chính khi khoản nợ được thanh toán đúng hạn. Nhưng do lãi suất cao, trong khi những người đi vay lại luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính nên việc nợ chồng nợ là điều khó tránh khỏi và kết quả là khoản nợ vượt quá khả năng chi trả, dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con.
Bích Hà