tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh-tăng trưởng bền vững,
Tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh-tăng trưởng bền vững (tháng 10/2024)

Đột phá trong cải cách hành chính nhờ chuyển đổi số

Nam Định xác định chuyển đổi số là khâu đột phá chiến lược, nhằm cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tính đến nay, 100% thủ tục hành chính của tỉnh đã được chuẩn hóa, công khai và cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công.

Hệ thống một cửa điện tử liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã của Nam Định đã giúp cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, đồng thời nâng cao tính minh bạch và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định đã đưa toàn bộ quy trình cấp phép đầu tư lên môi trường số, cho phép nhà đầu tư nộp hồ sơ, theo dõi tiến độ và nhận kết quả hoàn toàn trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Phạm Đình Nghị nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nam Định. Việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính đã giúp tạo ra một chính quyền thân thiện, hiện đại, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn đang hưởng lợi rõ rệt từ quá trình chuyển đổi số. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hùng Vương cho biết: “Trước đây, việc xin giấy phép xây dựng mất rất nhiều thời gian. Giờ đây, chúng tôi có thể nộp hồ sơ online, theo dõi quá trình xử lý và nhận kết quả rất nhanh chóng. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và chủ động hơn trong triển khai kế hoạch sản xuất – kinh doanh”.

Nam Định thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và chuyển đổi số. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2024 của Nam Định đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố; trong khi chỉ số thành phần về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số xếp vị trí số 1 toàn quốc. Tỉnh Nam Định cũng là một trong những địa phương có chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp cao nhất trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Không dừng ở cải cách hành chính, Nam Định đang từng bước phát triển nền kinh tế số một cách bền vững. Hiện tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 15% – một con số ấn tượng so với mặt bằng chung cả nước. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa, xếp thứ 4 toàn quốc.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso. Sản phẩm nông nghiệp được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị và uy tín trên thị trường. Kinh tế số cũng đang dần len lỏi vào đời sống người dân, thúc đẩy phát triển xã hội số toàn diện.

Cùng với kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, hành chính công và đời sống xã hội tại Nam Định cũng được số hóa mạnh mẽ. Đặc biệt, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ tại tỉnh Nam Định đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Nam Định là một trong 10 tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; là 1 trong 4 địa phương dẫn đầu cả nước về tiếp nhận và giải quyết nhóm dịch vụ công liên thông (đăng ký khai sinh – thường trú – cấp thẻ BHYT; đăng ký khai tử – xóa thường trú – trợ cấp mai táng phí).

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định khẳng định: “Xây dựng xã hội số là một trong những mục tiêu cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Đến nay, đã có 17 xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số. Huyện Giao Thủy đang thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số trong giáo dục”.

Hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bưu điện thành phố Nam Định.
Hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bưu điện thành phố Nam Định (Ảnh: Nguồn Báo Nam Định)

Thu hút đầu tư – “trái ngọt” từ cải cách

Những nỗ lực toàn diện về cải cách, hạ tầng và chuyển đổi số đã mang lại kết quả rõ rệt. Từ đầu năm đến ngày 25/4/2025, Nam Định đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 235,4 triệu USD, trong đó có 8 dự án mới trị giá 122,2 triệu USD. Đây là kết quả của một môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả và thân thiện được tạo dựng từ chuyển đổi số và cải cách hành chính.

Tỉnh Nam Định cũng thành lập Tổ công tác hỗ trợ đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án, đồng thời tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tạo động lực lan tỏa đến toàn cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh Nam Định xác định hạ tầng giao thông là điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư và triển khai chuyển đổi số đồng bộ, Nam Định đã đẩy mạnh tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm:

Tuyến đường bộ Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng đang thi công khẩn trương. Các gói thầu đạt tiến độ từ 65% đến 88%.

Dự án cầu vượt sông Đáy, tổng vốn 1.450 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành toàn bộ hạng mục kỹ thuật, chờ kết nối với tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng.

Dự án cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi dài 1,6km với tổng vốn 1.200 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào khai thác.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tổng mức đầu tư 1.755 tỷ đồng hiện đang đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục quan trọng, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Dự án giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Nam Định (2025–2027), có tổng vốn 1.650 tỷ đồng, đã chi trả trên 174 tỷ đồng cho hơn 4.200 hộ dân bị ảnh hưởng.

Mô hình trình diễn robot ứng dụng công nghệ số của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định
Mô hình trình diễn robot ứng dụng công nghệ số của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (Ảnh: Nguồn Báo Nam Định)

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng chú trọng phát triển các khu đô thị, tái định cư và nâng cấp hạ tầng tại các huyện, thành phố nhằm đồng bộ hóa điều kiện sinh sống, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị khẳng định: “Nam Định đang ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ phát triển kinh tế số. Chúng tôi cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kiến tạo một chính quyền số minh bạch, hiện đại và một môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả”.

Với nền tảng công nghệ vững vàng, quyết tâm chính trị cao, cộng đồng doanh nghiệp đồng hành và hệ thống hạ tầng đang từng bước hoàn thiện, Nam Định đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và bền vững trong kỷ nguyên số.

Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định, đến năm 2025 tỉnh sẽ nằm trong TOP 20 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số chuyển đổi số; đến năm 2030, cơ bản hoàn tất quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị văn minh.

Nguyễn Kiên