Sáng 27/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, sau hơn 02 năm (01/08/2020-12/2022) thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), tăng trưởng xuất nhập khẩu 02 chiều Việt Nam và EU đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%.

Rau củ quả tươi có tiềm năng lớn vào thị trường EU năm 2023. Ảnh internet
Rau củ quả tươi có tiềm năng lớn vào thị trường EU năm 2023. Ảnh internet.

Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này có được trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, gây ra nhiều khó khăn chưa từng có cho các nền kinh tế, cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như: Dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…

Kết quả khảo sát mới của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thể hiện, có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA.

Nói rõ hơn về tiềm năng xuất khẩu sang EU, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho hay, có 07 nhóm mặt hàng bao gồm cả công nghiệp và nông nghiệp là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, bao gồm: Máy vi tính; dệt may; máy móc và thiết bị; giày dép; rau quả tươi, rau củ quả chế biến; thuỷ sản (cá tra và các sản phẩm khác); gạo. Dư địa của thị trường còn rất lớn cho doanh nghiệp khai thác.

Chẳng hạn với mặt hàng rau quả tươi và rau củ quả chế biến, nếu không có EVFTA thì thuế suất sẽ ở mức cao nhất là 20%, nhưng nhờ có EVFTA thì hiện phần lớn thuế đã về mức 0%. Tuy nhiên, tỷ lệ mặt hàng rau quả tươi, rau quả chế biến Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU hiện mới chiếm khoảng 2,7% thị phần tại EU.

Tương tự với nhóm mặt hàng thuỷ sản (cá tra và sản phẩm khác), lộ trình xóa bỏ dần các mức thuế sau khi Hiệp định EVFTA rất lớn, thay vì áp mức cứng 20% như trước. Trong vòng 03 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, 90,3% dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Hiện tại, tỷ lệ xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU mới chiếm khoảng 4,2% thị phần trong khi nhu cầu thị trường còn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời cũng đánh giá, còn nhiều dư địa để đưa gạo Việt Nam vào thị trường EU. Thực tế tại Tập đoàn Lộc Trời cho thấy, năm 2018, tập đoàn xuất khẩu vào thị trường EU hơn 2.000 tấn gạo; 2019 là 8.000 tấn; 2020 là 11.000 tấn; 2021 là 12.000 tấn và năm 2022 tính đến thời điểm hiện tại là khoảng trên 24.000 tấn.

EU là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm. Do đó, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này phải tìm hiểu, nghiên cứu để sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, dần khẳng định thương hiệu và mở rộng xuất khẩu.

Hải Dương (t/h)