THCL Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhận định, về BĐS nghỉ dưỡng, các BĐS ở ven biển hay vùng núi việt nam có nhiều điểm hấp dẫn và đều có tiềm năng phát triển như nhau…
Biệt thự xanh vilas vẫn… đói khách
Báo cáo quý III/2016 của đơn vị tư vấn và quản lý BĐS CBRE tại Đà Nẵng đánh giá, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng biển tại thị trường này, suốt 9 tháng qua gần như trầm lắng, vắng khách và giảm hẳn nguồn cung.
Theo CBRE, cần phân biệt rõ 2 phân khúc sản phẩm ở lĩnh vực này đó là nhóm căn hộ khách sạn cho thuê (condotel) và các biệt thự nghỉ dưỡng ven biển.
“Trong 9 tháng qua, các condotel được quảng cáo tốt và giao dịch nhanh, vì đây là phân khúc sản phẩm mới, đang được các CĐT dự án lớn quan tâm. Việc lựa chọn sản phẩm này cũng là một hướng đi mới trong thị trường BĐS khu vực, khác với trước đây chỉ có biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ để ở nên càng khiến người mua quan tâm”, bà Dương Thùy Dung, GĐ bộ phận khảo sát thị trường CBRE VN phân tích.
Trái ngược với tình hình các condotel, bà Dương cho rằng, các biệt thự nghỉ dưỡng giảm sút cả cung lẫn cầu. Hiện nay, nhóm sản phẩm này chỉ mới có 1 dự án được chào bán lại (Dự án The Osean Estate, thuộc VinaCapital) với số lượng 33 căn. Còn lại, các dự án khác đều “đóng băng”, kể cả những dự án từng giao dịch sôi động như Osean Villas, Hyatt Regency, Vinpearl Đà Nẵng 2...
Phân tích của CBRE còn cho thấy, các khu biệt thự nghỉ dưỡng biển bộc lộ nhiều nhược điểm trong quy hoạch phát triển, đáp ứng đa dạng nhu cầu người mua hơn, điều mà trước đây, trong giai đoạn sôi động ít bị để ý. Do đó, có dự án còn phải tạm dừng bán ra, có dự án phải lo điều chỉnh lại thiết kế xây dựng, chỉnh trang hạ tầng...
Vấn đề khác là BĐS nghỉ dưỡng đòi hỏi khắt khe hơn đối với CĐT. Không phải CĐT nào muốn có vị trí đẹp đều phát triển được BĐS nghỉ dưỡng, mà họ phải có năng lực đầu tư, năng lực quản lý mới phát triển thành công.
Trào lưu “ngôi nhà thứ 2”…?
Đến nay, đã có một số dự án được đánh giá khá thành công với các sản phẩm ở phân khúc này, như trường hợp KĐT sinh thái Ecopack được triển khai từ năm 2010 tại Hưng Yên - nơi vốn không thật sự có ưu thế về vị trí gần trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, nhờ có phương thức đầu tư bài bản, nghiên cứu thị trường kỹ nên dự án này đã mở ra trào lưu mới cho cư dân trong nội thành.
Tuy nhiên, trên thị trường, không phải CĐT nào theo đuổi phân khúc BĐS sinh thái ven đô cũng thu về “trái ngọt”. Hàng loạt dự án được tung ra thị trường trong giai đoạn phát triển nóng tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Dự án biệt thự nhà vườn Xanh Villas (Tiến Xuân, Thạch Thất) của Công ty TNHH BĐS Xuân Cầu, Khu biệt thự Ngôi nhà mới (New House) của Công ty CP TM&DV Lã Vọng và hàng loạt dự án sinh thái khác tại Lương Sơn, Hòa Bình như Dream House, Beverly Hill, Eco Valley, Mountain Villas, Green Oasis Villas…
Sau thời gian quảng bá rầm rộ để bán hàng thì số phận các dự án này lại rất hẩm hiu. Có những dự án, cho đến nay chưa thể triển khai được. Những dự án còn lại tuy triển khai một số hạng mục từ vài năm trước, song vẫn không có một bóng người đến ở.
Điều đó trở thành gánh nặng cho CĐT khi phải quản lý, duy trì một dự án rộng hàng chục ha với rất nhiều căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang. Có những CĐT không chịu được sức ép tài chính, gần như không còn hoạt động hoặc nằm trong danh sách nợ thuế. Gần đây, khi thị trường BĐS phục hồi, một số CĐT tiếp tục rao bán với mức giá khá rẻ, song vẫn không có giao dịch.
Lý giải vấn đề này, GĐ một sàn BĐS tại Hà Nội cho rằng, phân khúc BĐS sinh thái gặp khó trong thời gian qua là vấn đề thủ tục pháp lý và hạ tầng kết nối các dự án chưa tốt. Các dự án đã thành công, đều là nhờ kết nối tốt hạ tầng giao thông, xây dựng, phát triển các tiện ích, dịch vụ, vui chơi giải trí cho cư dân…
Do đó, các CĐT theo đuổi phân khúc này thường phải mất nhiều thời gian triển khai, hoàn thiện hạ tầng, xây dựng các dịch vụ, giải trí nhằm tạo sức hút, lôi cuốn khách hàng đến tham gia sự kiện, thay đổi nhận thức của họ. Nếu không làm được như vậy, người mua cũng không muốn đến ở, mà dùng vào kinh doanh cũng không thu hút được khách.
Kiều Hoa