Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững” do Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ và các bên liên quan phối hợp tổ chức.
Tham dự Diễn đàn có các vị: Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp; Vũ Thị Phương Lan, Chủ tịch Công đoàn, Bộ NN&PTNT; Santiago Alonso Rodriguez, Trưởng bộ phận Hợp tác, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; Nguyễn Thị Tố Trân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định; đại diện Đại sứ quán Đức; Phái đoàn Liên minh Châu Âu; Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT (Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm); Đại diện Hội LHPN Việt Nam; Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội LHPN tỉnh/địa phương; Ban quản lý Dự án các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị; Các hiệp hội, doanh nghiệp gỗ (VIFOREST, HAWA, BIFA, FPA Bình Định, DOWA); Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC); Một số tổ chức phi chính phủ (CRED, SRD, CED, CRD, SFMI), Hội chủ rừng Việt Nam, Hội Nông dân ở cấp tỉnh/địa phương thực hiện dự án SFM; Một số tổ chức, dự án quốc tế (ILO, UNWomen, GIZ, KfW, EFI, USAid/DAI, JICA, DFS, USFS,...); Các cơ sở đào tạo lâm nghiệp, một số chủ rừng là công ty nhà nước, hộ gia đình, một số gương mặt phụ nữ tiêu biểu trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, thay mặt Ban tổ chức, ông Trần Quang Bảo cho biết: Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viêỵ Nam đã đặt mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệpphát triển một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp. Vấn đề bình đẳng giới trong ngành NN&PTNT nói chung, trong ngành lâm nghiệp nói riêng trong những năm qua đã được quan tâm vầ đạt được khá nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đáng kể về bình đẳng giới trong lâm nghiệp.
Theo thống kê, cả nước hiện có 14,74 triệu ha rừng (trong đó rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha, rừng sản xuất 4,57 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% và có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, trong đó đa phần là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, bất bình đẳng về giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở những địa phương này. Thậm chí ở không ít nơi còn tồn tại những quan niệm, hủ tục và nhận thức chưa đầy đủ về bình đẳng giới, như: Chế độ phụ hệ, hay nếp gia trưởng vẫn còn phổ biến trong nếp gia đình ở nông thôn…
Trong chuỗi các hoạt động lâm nghiệp (bao gồm quản lý, bâỏ vệ, phát triển, bảo vệ rừng, chế biến và thương mại lâm sản..) cũng luôn tiềm ẩn và xuất hiện bất bình đẳng, như: Phân công lao động, chênh lệch tiền lương và cơ hội việc làm; trong giao đất rừng, chuyển quyền sử dụng đất, tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn, lợi ích xã hội và môi trường lao động… Những bất bình đẳng này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ…
Do đó, thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp sẽ không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngànhNN&PTNT mà còn đối với quốc gia…
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tố Trân cảm ơn Cục Lâm nghiệp đã chọn TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để tổ chức Diễn đàn, đồng thời cho biết: Thời đại hiện nay, bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu và là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của quốc gia và cả thế giới, nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh. Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam ngày càng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bình đẳng giới. Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiều năm qua với sự nỗ lực không ngừng, ngành lâm nghiệp Bình Định đã đạt được những kết quả đáng khích lệ góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Với những kết quả trên, thời gian qua còn có sự hỗ trợ của dự án Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam (Dự án SFM) tổ chức nhiều lớp tập huấn: Về giới, Kế hoạch hành động gới và đào tạo bình đẳng giới cho cộng đồng, Với hơn 150 lượt người tham gia gồm cán bộ, các cơ quan ban ngành, hội đoàn thể, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp, và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ rừng…
Tiếp đó, các đại biểu dự Diễn đàn được nghe một số báo cáo tham luận về “Tổng quan khung chính sách liên quan đến giới”; trong đó có phát biểu của đại diện Bộ NN&PTNT và đại diện Đại sứ quán Đức.
Theo đó, thay mặt Bộ NN&PTNT, bà Vũ Thị Phương Lan đã trình bày báo cáo tham luận “Kết quả công tác bình đẳng giới của Bộ NN&PTNT”.
Báo cáo gồm có 03 phần: Khái quát đặc điểm, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và năm 2021-2022; Kế hoạch hành động Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN&PTNT.
Theo bà Vũ Thị Phương Lan, thời gian qua, việc thực hiện bình đẳng giới ở Bộ NN&PTNT đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, tỷ lệ nữ trong BCH Đảng Bộ nhiệm kỳ 2015-2020 là 54/337 (chiếm tỉ lệ 16,02%); Tỷ lệ nữ trong BCH Đảng Bộ nhiệm kỳ 2021-2026 là 68/346 (chiếm tỉ lệ 19,6%); Tỷ lệ nữ trong BCH công đoàn nhiệm kỳ 2018 – 2023 là 68/346 (chiếm tỉ lệ 33%), tăng so với giai đoạn 2015 – 2020…
Đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020,
số nữ giới có 162/552 (chiếm 29,3%). Công tác đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật, số nữ có 812.879/1.801.729 (chiếm tỉ lệ 45,1%)…
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định: Phấn đấu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025, với 06 mục tiêu chủ yếu về các lĩnh vực: Trong lĩnh vực chính trị; Lĩnh vực kinh tế, lao động; Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Lĩnh vực y tế; Lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, Bộ NN&PTNT xác định: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% cơ quan đơn vị thuộc Bộ có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ; 80% cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có cán bộ nữ được quy hoạch chức danh Lãnh đạo chủ chốt đơn vị vào năm 2025.
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động: Hàng năm, tỉ lệ nữ được tuyển dụng mới vào công chức, viên chức đạt 40% tổng số người được tuyển dụng; Giảm tỉ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 30 % so với tổng số lao động nữ có việc làm vào năm 2025; Tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đạt ít nhất 27% vào năm 2025…
Cũng theo Ban Tổ chức, sau các báo cáo tham luận, Diễn đàn đã diễn ra chương trình toạ đàm “Tiếng nói từ cơ sở - Hành động thúc đẩy bình đẳng giới” và tổ chức phiên thảo luận.
Theo đó, phiên thảo luận gồm có 04 nhóm với những vấn đề khác nhau. Cụ thể, nhóm 1 thảo luận về vấn đề “Lồng ghép bình đẳng giới trong quản lý nhà nước của ngành lâm nghiệp”. Nhóm 2 thảo luận về chủ đề “Tăng cường bình đẳng giới trong sản xuất và bảo vệ rừng”. Nhóm 3 thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới trong sản xuất, chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ”. Nhóm 4 thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới trong chế biến và xuất khẩu”.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, Ban tổ chức còn tổ chức Triển lãm “Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ” và trao ảnh lưu niệm cho 10 nhân vật trong Triển lãm “Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ”.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Diễn đàn còn được tham gia hoạt động gắn kết đội nhóm (team-building) để tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa các đại biểu với nhau; được bố trí tham quan 02 doanh nghiệp gỗ tại tỉnh Bình Định… Viết Hiền