Hội nghị “Tập huấn tuyên truyền, phổ biến, thông tin liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu và các Hiệp định thương mại tự do trên địa bàn tỉnh Bình Định”do Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các vị: Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định; Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đà, Giảng viênTrường Cao đẳng Thương Mại Đà Nẵng, Bộ Công Thương; Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó giám đốc VCCI Miền Trung – Tây Nguyên; Đặng Quốc Thượng, đại diện VCCI Đà Nẵng tại Bình Định; cùng gần 90 học viên là đại biểu các sở, ban, ngành; đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK); các DN kinh doanh cảng biển, dịch vụ logistics; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh…

Ông Nguyễn Đình Kha phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H
Ông Nguyễn Đình Kha phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Kha cho biết: Trong những năm gần đây, hoạt động XNK ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng, mở ra không gian phát triển cho nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam thực hiện chiến lược cơ cấu lại thị trường XK theo hướng cân bằng hơn, thúc đẩy cải cách, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN. Các Hiệp định FTA thế hệ mới đã chính thức có hiệu lực, có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa và có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Việc thực thi các Hiệp định FTA được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động XNK của các DN ở Việt Nam nói chung và các DN trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Đối với tỉnh Bình Định, kim ngạch XK hàng năm của tỉnh trong những năm trở lại đây liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, trong đó năm 2023, kim ngạch XK của tỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD, dự báo năm 2024, kim ngạch XK của tỉnh đạt mốc trên 1,65 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XK trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 1.142 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng XK chủ lực chính của tỉnh như gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm bằng chất dẻo (bàn ghế nhựa giả mây); thủy hải sản đông lạnh; sắn và các sản phẩm từ sắn; hàng dệt may, giày dép,…

Học viên đang theo dõi bài giảng của giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng. Ảnh: V.H
Học viên đang theo dõi bài giảng của giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng. Ảnh: V.H

Cũng theo ông Nguyễn Đình Kha: Hiện thị trường EU được xem là thị trường có thế mạnh, hầu hết các sản phẩm XK chủ lực của tỉnh đều tham gia XK sang thị trường này. Do đó, hàng hóa muốn thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU cần phải chú ý một số vấn đề về quy tắc xuất xứ, các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và các vấn đề về kỹ thuật…

Vì vậy, mục đích của Hội nghị là nhằm tiếp tục phát huy và tận dụng tối đa những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại, đặc biệt tận dụng các cam kết về lộ trình giảm thuế quan, cam kết mở cửa thị trường, cập nhật các quy định mới về xuất xứ hàng hóa, quản trị rủi ro về xuất xứ hàng hóa trong hoạt động XNK thị trường các nước, đặc biệt là thì trường các nước FTA thế hệ mới; giúp các học viên hiểu rõ hơn về hiệu quả mà Hiệp định TMTD thế hệ mới này mang lại, đồng thời nắm kỹ các thông tin để chủ động hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Tiếp đó, các học viên tham dự Hội nghị “Tập huấn tuyên truyền, phổ biến, thông tin liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu và các Hiệp định thương mại tự do trên địa bàn tỉnh Bình Đinhj” được nghe các giảng viên, chuyên gia đến từ Trường Cao đẳng Thương Mại Đà Nẵng và VCCI miền Trung – Tây Nguyên giới thiệu chuyên đề“Tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) để gia tăng xuất khẩu”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đà giới thiệu về các Hiệp định TMTD… Ảnh: Viết Hiền
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đà giới thiệu về các Hiệp định TMTD… Ảnh: Viết Hiền

Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đà giới thiệu một số nội dung: Tóm tắt về Hiệp định TMTD FTA và EVFTA; Tình hình thực hiện một số mặt hàng: gỗ , thủy sản, nông sản, dệt may, da giày sang thị trường EVFTA trong những năm qua; Các văn bản pháp luật liên quan EVFTA; Số liệu XNK và tận dụng EVFTA; Nguyên nhân, hạn chế.. .

Còn  Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Ngọc thì giới thiệu về các vấn đề: Một số thông tin và tổ chức hỗ trợ, tư vấn cho DN; Làm thế nào để có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội do EVFTA mang lại; Những cơ hội; Cách thức thực hiện…

Cụ thể, tại Hội nghị, đại biểu các sở, ban, ngành; đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK); các DN kinh doanh cảng biển, dịch vụ logistics; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh…được các giảng viên, chuyên gia truyền đạt, tập huấn các vấn đề: Tại sao phải tìm hiểu FTA; Mục đích vận dụng FTA (đối với DN,hộ kinh doanh? Đối với cơ quan quản ly?); Mua bán với ai? Tìm kiếm khách hàng, đối tác ở những quốc gia có PTA/FTA với Việt Nam? Các loại FTA (Hiệp định đa phương, đơn phương)? Thương mại với các quốc gia có FTA? Những nội dung cơ bản của EVFTA? Các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của thị trường EU? Áp dụng và gợi y cách thức vận dụng? Quyền tự do của các nước thành viên EU (Tự do lưu thông hàng hóa; Tự do di chuyển cho người lao động; Quyền thành lập và tự do cung cấp dịch vụ; Tự do lưu thông tiền vốn); Các đặc trưng về thị trường thương mại, dịch vụ EU…

Ngoài ra, Ban tổ chức còn dành thời gian để học viên và các chuyên gia trao đổi, giải đáp những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn cơ sở…/.

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •