Hội nghị “Tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức về logistics năm 2024”do Sở Công Thương tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam tổ chức.
Tham dự Hội nghị có các vị: Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định; PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam; ThS. Tô Thị Hằng, Trường ban đào tạo Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam; cùng trên 200 đại biểu, đại diện các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các DN sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu; các DN dịch vụ logistics; các hiệp hội, ngành hàng; trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Kha cho biết: Hiện nay, logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Bình Định, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng giao thông; đặc biệt tận dụng lợi thế về cảng biển để phát triển hệ thống dịch vụ logistics, lấy dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển làm trụ cột, từng bước đảm nhận vai trò trung tâm logistics của khu vực. Do đó, logistics ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Bình Định có tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 4.294,5 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,5%/năm; giai đoạn 2021-2023 ước đạt 4.664,1 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm. Riêng 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm. Thông qua các hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, các mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định đã xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 5 châu lục với nhiều mặt hàng xuất khẩu đã thâm nhập được những thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,....
Trong 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động vận chuyển hàng hóa nhìn chung đạt kết quả khả quan với tổng lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ và đường thủy ước đạt 20.313,2 nghìn tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ; tổng lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 2.856,1 triệu tấn.km, tăng 6% so với cùng kỳ; Hàng hoá thông qua cảng biển ước đạt 8.711 nghìn tấn, tăng 34,5% so với cùng kỳ; Tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và đường thủy, bưu chính, chuyển phát ước đạt 7.002,3 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành đẩy mạnh việc hoàn thiện kết cầu hạ tầng giao thông, thu hút DN đầu tư xây dựng hệ thống kho hàng, bến bãi, cầu cảng, phát triển phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn trước mắt, cũng như về lâu dài; Thu hút đầu tư của các DN có khả năng trực tiếp thực hiện toàn bộ các khâu trong chuỗi dịch vụ logistics; Phát triển thị trường dịch vụ logistics, đồng thời tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực về logistics.
Nhằm củng cố, định hướng và nâng cao năng lực cho ngành dịch vụ logistics Bình Định trong thời gian tới, Hội nghị tập huấn lần này cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, DN kiến thức tổng quan về logistics và chuỗi cung ứng… Đây là cơ hội để các hiệp hội, DN dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Định có thể nắm bắt được những thông tin mới, tham khảo thêm các kinh nghiệm thực tiễn tốt và khuyến nghị chính sách nhằm phát huy hơn nữa những lợi thế, nâng cao vai trò của dịch vụ logistics trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đồng thời, đây cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác, kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics, mở ra cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho DN nhằm tăng cường thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng; xây dựng các khu logistics tập trung, quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển; đào tạo nhân lực đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới, đóng góp tích cực đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ nói chung…
Tiếp đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã được chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam truyền đạt những nội dung chủ yếu về logistics, như: Tổng quan về logistics và chuỗi cung ứng; Chính sách, quy định pháp luật về phát triển dịch vụ logistics; Thực trạng phát triển logistics tại Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng; Kế hoạch triển khai quy hoạch về phát triển hạ tầng logistics tại tỉnh Bình Định; Hội nhập và cam kết quốc tế trong lĩnh vực logistics; Một số vấn đề mới trong logistics (logistics cho e-commerce, cold chain logistics, green logistics, logistics đô thị….); Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics, định hướng và một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics…
Ngoài ra, Hội nghị còn dành thời gian để các đại biểu, học viên trao đổi, thảo luận với các giảng viên, chuyên gia về những khó khăn, vướng mắc từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu liên quan đến logistics…
Viết Hiền