Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tăng cường theo dõi, nắm bắt thông tin dịch bệnh tại các địa phương có mật độ chăn nuôi lợn lớn, các địa phương giáp ranh với các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị để kịp thời ứng phó khi có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh.
trong đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện lợn bệnh, lợn chết có các triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch;
kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; phối hợp xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
Phối hợp với UBND các địa phương tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới để thúc đẩy xuất khẩu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh động vật khác.
Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; các kiến thức về phòng chống dịch bệnh; vận động người dân không giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, chết và đặc biệt không sử dụng gia súc, gia cầm bệnh, chết để làm thực phẩm; người chăn nuôi tự giác khai báo ngay khi có gia súc, gia cầm bệnh, chết và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định
Bên cạnh đó, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, đơn vị liên quan và UBND cấp xã rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, chủ động ưu tiên bố trí nguồn kinh phí mua vắc xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, đặc biệt chú ý đối tượng là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những địa phương có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới xuất hiện.
Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương. Chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây ra trên địa bàn.
Thuận Yến (t/h)