Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, các di vật, Bảo vật Quốc gia và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
Đồng thời, hình thành điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan sinh thái của tỉnh Bắc Ninh và toàn vùng châu thổ sông Hồng; kết nối Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích với các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, xác định và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; làm cơ sở để khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc giới bảo vệ và quản lý di tích. Hình thành các phân khu chức năng, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Một trong những nội dung Quy hoạch là điều chỉnh tăng quy mô các khu vực bảo vệ di tích có tổng diện tích là 16,52 ha. Cụ thể, điều chỉnh diện tích khu vực bảo vệ I thành 1,28 ha (tăng 0,05 ha); khu vực bảo vệ II thành 15,24 ha (tăng khoảng 14,46 ha).
Bên cạnh đó, là vùng phát huy giá trị di tích (8,43 ha) được bố trí các cơ sở dịch vụ và không gian công cộng phục vụ khách du lịch và người dân địa phương; vùng đệm bảo vệ cảnh quan di tích (8,71 ha) là các khu vực còn lại thuộc núi Phật Tích, có biện pháp bảo vệ, tôn tạo để hình thành vùng đệm cảnh quan sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững.
Về tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, cần bảo vệ nguyên trạng các di tích gốc, các di vật, cổ vật, bảo vật thuộc di tích. Giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái của di tích gắn với bảo vệ núi Phật Tích. Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích trên cơ sở tài liệu, tư liệu lịch sử, hồ sơ khoa học của di tích, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
Về định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tập trung thu hút thị trường khách gần như khách nội tỉnh, khách từ thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận. Chú trọng khách du lịch lễ hội, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và khách du lịch cuối tuần. Sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và thiên nhiên vùng núi Phật Tích; du lịch chuyên đề gắn với hoạt động trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa dân gian; du lịch lễ hội, đa dạng hóa các hoạt động trong lễ hội truyền thống chùa Phật Tích. Phát triển các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống địa phương.
Hình thành tuyến du lịch chuyên đề chùa cổ Việt Nam kết nối chùa Phật Tích với chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Thuận Thành); chùa Tiêu (Từ Sơn)...; tuyến du lịch lễ hội, du xuân; tuyến du lịch sông Đuống...
Bá Đoàn