Đây cũng chính là nguồn động viên lớn lao, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong anh em Nhóm trực họa phía Tây Bắc Hà Nội.
Trong lúc từng đoàn người, xe hối hả ngược xuôi tận hưởng kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 vừa qua, thì một Nhóm Họa sĩ Vĩnh Phúc gồm 5 anh em kĩu kịt tranh pháo kéo về 16 Ngô Quyền chuẩn bị cho sự kiện ra mắt Triển lãm tranh: “Đất và Người quê hương”, đầy tự tin. Theo suy đoán của tôi, họ muốn đón dòng người thưởng lãm từ mãi tận đâu đó sau kỳ nghỉ Lễ trở về sẽ có được những giây phút thật sự thư thái ngắm tranh, giúp họ ít nhiều hồi tưởng về một góc làng quê thao thiết, đau đáu…
Nhóm 5 họa sĩ là bạn đồng môn của tôi: Họa sĩ Nguyễn Công Tước, Nguyễn Thơm, Lê Chung, Bùi Hiếu và Đỗ Mạnh Hà.
Quan sát sự kiện, tôi nhận thấy trong suốt những ngày diễn ra triển lãm (từ 4/5 - 13/5/2025) Nhóm Họa sĩ đã đón nhận sự quan tâm rộng rãi của người yêu hội họa trong và ngoài nước. Hội Mỹ thuật Việt Nam tỏ ra thật ưu ái cho “những người quê” bên cạnh triển lãm “tranh quê”, vì những tên tuổi lớn cũng đã góp mặt, chia vui: Chủ tịch, Họa sĩ Lương Xuân Đoàn; Phó Chủ tịch, Họa sĩ Mai Thị Ngọc Oanh; Giám đốc Nhà Triển lãm Mỹ thuật - 16 Ngô Quyền, Hoạ sĩ Vũ Ngọc Long; Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật Ngô Xuân Tiến. Và, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đại diện: Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc, Nhà thơ Hải Thanh; Phó Chủ tịch Hội Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc, Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vĩnh… cùng bạn bè tại Hà Nội, người thân của nhóm họa sĩ…
Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương đã liên tục đưa tin về sự kiện của Triển lãm. Cùng với đó, đông đảo các nhà chuyên môn cũng đã đưa ra những đánh giá khách quan về chất lượng tranh của triển lãm này.
Từ góc độ cá nhân, tôi thật sự ấn tượng với lời tâm sự của Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, ông cho rằng: “…Có thể nói đây là một triển lãm cảm động. Trong bối cảnh xã hội đang thay đổi dồn dập, tốc độ đô thị hóa mạnh, làm chúng ta mất dần làng Việt, quê Việt, làm cho những ai đó trong chúng ta thôi thúc tiếng lòng cứ thổn thức mãi… Nhưng thật may mắn, giới họa sĩ chỉ cần cầm bút vẽ là trong giây khắc đã níu lại được hồn quê: Từ ao làng, đường làng, ngõ làng…”
Họa sĩ Nguyễn Trí Dũng lại đưa ra thông điệp của riêng mình: Một triển lãm giúp gợi nhớ bờ ao, giếng nước, đống rơm, con đò rất tiêu biểu cho quê hương miền Bắc, vượt qua mọi biến thiên của lịch sử, sắc quê nhờ tay bút của các họa sĩ mà trường tồn…
Tại triển lãm này, tôi được tâm sự với Nhà sưu tập tranh nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc. Ở tuổi ngoài 90 nhưng ông vẫn rất minh mẫn và am tường, ông nói về tranh, thưởng thức tranh một cách có hệ thống, có nghiên cứu, minh triết và nghiêm cẩn: “Tranh là tinh hoa, người họa sĩ ẩn mình trong nét vẽ, ngôn ngữ của họa sĩ là gam màu, đặt bút như thành tâm…”. Ông đã chọn mua một bức tranh của Họa sĩ Nguyễn Thơm và treo trang trọng tại gian khách nhà mình sau khi dạo một vòng cả hai tầng ngắm nghía, ngẫm ngợi…
Họa sĩ Thành Chương thì góp ý nhỏ: “Tôi nhìn thấy thành công thuộc về Nhóm trực họa 88A ở triển lãm này. Nhưng tôi sẽ thích hơn nếu gam màu mang theo tính cách của mỗi người, nét họa cũng thế, phải rất riêng mới hay… Nghĩa là, để người xem nhận ra sự “quần tụ” của 5 tay bút có đặc điểm và tư duy màu sắc không bị đồng điệu. Tuy nhiên, rất đáng khích lệ vì tôi được biết đây hình như cũng là lần đầu tiên có một triển lãm của Nhóm họa sĩ trực họa ngoài tỉnh và với số lượng tranh 107 bức với đa chất liệu”.
Ngắm tranh một lượt cùng các đồng môn, tôi quay sang trò chuyện với Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ), anh nói: Phải khen đã, rồi góp ý thêm sau để anh em tăng cảm hứng sáng tác. Mấy ai và mấy bức tranh vẽ cái là ổn ngay đâu em. Đôi khi, cần có cả khoảng lùi để hoàn thiện nữa chứ”.
Tôi cứ như được “học ngoại khóa”.
Về Thủ đô nghe các bậc đàn anh ai nói cũng hay, cũng có cái để mà rút kinh nghiệm và nhìn nhận lại mình. Đúng vậy, nên tôi thầm mong cho những người anh em của mình coi sự kiện triển lãm lần này là một kênh để “cọ xát” xem như “Thủ đô luôn trong trái tim ta”: Gần gũi, cưu mang và nâng đỡ!
Chưa hết - gần ngày bế mạc, Họa sĩ Lương Xuân Đoàn tái ngộ và đặt tay viết lên cuốn sổ lưu bút của Nhóm Họa sĩ Vĩnh Phúc những dòng tâm huyết tặng anh em, với nội dung:
“… Làng tôi…
Muôn thuở bản thổ của bạn và tôi vẫn bình dị nét quê, cảnh quê khó mất. Mặc thời thế, thế thời cứ ngang ngửa, trêu ngươi bất kỳ ai.
Ngày vẫn rộng, tháng vẫn dài, năm vẫn xoay khi trời đất, thiên nhiên vẫn mở lòng và những đôi mắt cười vẫn nhẹ nhõm, tìm cái đẹp niên viễn.
Cổng làng, ngõ quê nhẹ nhõm nương nép theo bốn mùa khó cũ khi bạn buông nét, tôi thả màu giữa quê mình, làng mình đang xanh xanh bóng tre.
Bếp nhà mình nồng đượm trong tiếng trẻ con cười khúc khích. Gái làng đợi duyên ai khi vo gạo, rửa rau và giặt yếm nơi cầu ao lẳng lặng.
Làng tôi đấy thì thầm lời mách bảo thường ngày khi bạn cùng tôi sống và vẽ để thêm duyên cho bức tranh phong cảnh của tâm hồn mình.
Hà Nội, ngày 11/5/2025”.
Một số hình ảnh:











Dương Sơn