Trong buổi Hội thảo “Blockchain đóng góp gì để xây dựng Smart City” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức ngày 18/08/2022, các chuyên gia đã nhất trí rằng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng, mà còn khiến các doanh nghiệp thất thoát doanh thu, hạ uy tín.
Khi tham gia các FTAs, việc minh bạch, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ của tất cả các sản phẩm là yêu cầu bắt buộc để được hưởng mức thuế xuất khẩu 0%.
Theo ông Đỗ Văn Long, CEO Công ty Cổ phần Vietnam blockchain: “Hiện blockchain đang là ứng cử viên sáng giá hàng đầu để thực hiện công việc chứng tỏ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Công nghệ này giúp định danh, ghi nhận và lưu trữ toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối một sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Chúng tôi đã áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng blockchain trên hơn 700 loại sản phẩm khác nhau. Trong đó dự án Xoài Mỹ Xương là lần đầu tiên một sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được dán tem nhãn blockchain.”
Ông Nguyễn Khương Tuấn cũng đưa ra giải pháp chống hàng giả, hàng nhái từ blockchain thông qua công nghệ iSeal: “Người tiêu dùng sẽ dùng smartphone để xác thực thông tin trên sản phẩm. Smartphone sẽ gửi thông tin Hội đồng xác thực gồm Nhà nước, nhà sản xuất,… để đồng thuận và đóng dấu cho blockchain đó thông qua hệ thống iSeal. Sau khi đối chiếu và kiểm tra xong, hệ thống sẽ trả lại thông tin về smartphone cho người tiêu dùng theo dõi, đồng thời cập nhật lại chữ ký số mới lên tem”.
Cũng theo ông Tuấn, về nguyên lý mọi thông tin tĩnh đều có thể sao chép. Vậy nên sự khác biệt của hệ thống iSeal là hệ thống thông tin lưu động khi cập nhật chữ ký số mới sau mỗi lần sử dụng. Đây là bước tiến mới về công nghệ, vô hiệu hoá hoàn toàn các điểm yếu của các công nghệ cũ là thông tin tĩnh, dễ bị sao chép, độ an toàn thấp, hệ thống có thể phát hiện ra hàng giả mạo nếu có.
Việc ứng dụng blockchain trong chống hàng giả, hàng nhái, xác thực nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng, giảm thất thoát doanh thu khi giảm lượng hàng giả. Hệ thống phân phối của doanh nghiệp cũng trở nên đáng tin cậy hơn khi thay vì phải lựa chọn nhà phân phối, đại lý kĩ càng với nhiều tiêu chí thì với blockchain, hệ thống thông tin đã có tính minh bạch, quản lý nhà phân phối tốt hơn.
Đồng thời, với việc sử dụng hệ thống thông tin theo chuỗi khối, các doanh nghiệp cũng có thể có được những báo cáo thị trường gần như ngay lập tức tại bất kì thời điểm nào và quy trình bán hàng, phân phối sản phẩm gần như không thay đổi.
Thời điểm hiện tại, khi blockchain vẫn còn là một công nghệ mới, cần có nhiều sự lan toả, mức giá áp dụng cho các doanh nghiệp vẫn còn rất được hỗ trợ, đáp ứng được tương đối nhiều các mặt hàng trên thị trường.
Ông Nguyễn Khương Tuấn, Giám đốc Công ty CP ONYX Việt Nam cho biết các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng như QR-Code, Hologram, NTAG tem chíp thường đều có mức độ an toàn không cao, dễ dàng bị làm giả từ một máy in khác. Một vài phương pháp khác như tem cào (mã dùng một lần) thì lại khó dùng, chỉ dùng 1 lần, không hữu ích cho quản lý thị trường.
Hay như phương pháp phát hiện giả mạo bằng A.I hiện vẫn chưa có trên thị trường lại chỉ có thể đưa ra kết quả nghi vấn (không khẳng định được) và chạy báo cáo định kỳ không ngay lập tức.
Với những lợi thế từ 12 Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam khó tránh khỏi bị lợi dụng là nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba, cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước. Đồng thời, bởi các mẫu chứng từ, giấy tờ chưa có biện pháp chống giả hữu hiệu, dễ dàng dẫn tới các vụ gian lận thương mại, điển hình như vụ hàng trăm container hạt điều xuất khẩu sang Itatly có nguy cơ bị mất trắng bởi thủ đoạn tinh vi.
Lê Pháp (T/h)