Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình trạng vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng...
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề..
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương chỉ đạo các lực lượng như Quản lý thị trường chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Hà Trần