Sáu nhiệm vụ trọng tâm         

Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ những yêu cầu, nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi giúp các DN công nghiệp có thể tăng cường tiềm lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0.

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 10/11/2017, Bộ Công thương đã ra QĐ số 4246/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động ngành công thương triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg với mục tiêu sẽ tạo ra được những chuyển biến tích cực giúp các cơ quan, đơn vị, nhất là các DN ngành công thương nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0, chủ động nghiên cứu và ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong phát triển công nghiệp và thương mại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành công thương được xác định.

Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế nhằm tạo lập khung khổ pháp lý để tăng cường công tác quản lý có hiệu quả.

Hai là, hỗ trợ DN tiếp cận và nhanh chóng hấp thụ, phát triển các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 với việc tập trung vào lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của ngành công thương để ưu tiên phát triển và triển khai các mô hình thí điểm tạo động lực lan tỏa.

Ba là, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước ngành công thương nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành, ứng dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0 trong triển khai dịch vụ công trực tuyến và xây dựng chính phủ điện tử ngành công thương; xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá lớn của ngành nhằm phục vụ công tác quản lý và điều hành.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các DN ngành công thương.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực ngành công thương phục vụ yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 với việc tập trung vào thay đổi nội dung và phương thức đào tạo tại các cơ sở đào tạo ngành công thương nhằm tạo nguồn nhân lực có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN 4.0.

Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý thuộc ngành công thương và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chia sẻ thông tin về thúc đẩy thực hiện cuộc CMCN 4.0.

Bộ Công thương: Tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 - Hình 1

CMCN 4.0 - cơ hội để Việt Nam bứt phá

Thời gian qua, Bộ Công thương đã nhanh chóng vào cuộc bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Cùng các tổ chức, DN quốc tế tổ chức các hội thảo, diễn đàn về CMCN 4.0; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học phục vụ CMCN 4.0; triển khai các nhiệm vụ tại NQ số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017, NQ số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và NQ số 36a/NQ-CP ngày 14/1/2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của DN, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.

Qua đó, bước đầu đã tạo ra những thay đổi về nhận thức và tạo ra những tiền đề cơ bản bước đầu đối với cả DN và cán bộ quản lý các cấp thuộc ngành công thương nhằm tăng cường năng lực tiếp cận và nắm bắt một cách chủ động đối với cuộc CMCN 4.0 trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước.

Đối mặt nhiều khó khăn

Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh và phương thức tiếp cận khách hàng và thị trường. Bộ Công thương cho rằng, tiếp cận cuộc CMCN 4.0 thì lợi ích luôn song hành với khó khăn thách thức.

Thứ nhất, sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động trình độ thấp gây vỡ thị trường lao động truyền thống; ảnh hướng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.

Thứ hai, khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển, trong đó có Việt Nam có khả năng sẽ chịu những tác động tiêu cực chung này.

Thứ ba, tính sẵn sàng trong việc tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 của các DN đối với mỗi ngành, lĩnh vực, đối với ngành công thương vẫn còn hạn chế, cụ thể bao gồm: Yêu cầu về đổi mới công nghệ trong đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu; yêu cầu về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, phân tích và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số.

Hiện nay, phần lớn đều là các DNNVV, chiếm tỷ lệ khoảng 96%, vốn chỉ ở mức 4 - 7 tỷ đồng/DN; đa số những DN này chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp… Do vậy, để tiếp cận được với các xu hướng phát triển và hấp thụ được những công nghệ tiên tiến từ cuộc CMCN 4.0, đối với các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN sản xuất là điều không dễ dàng.

Thứ tư, hệ thống chính sách và thể chế cho sự sẵn sàng tiếp nhận cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam chưa được hoàn thiện. Do những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội, cũng như phương thức quản lý hoạt động, tổ chức sản xuất, kinh doanh của các DN đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách và hoàn thiện thể chế một cách kịp thời để đảm bảo không tạo ra rào cản đối với DN trong tiếp cận CMCN 4.0…

Vượt qua mọi thách thức

Để biến các khó khăn, thách thức thành hành động trong triển khai thực hiện kế hoạch, một số giải pháp ưu tiên như sau.

Tập trung rà soát, sửa đổi và đề xuất mới các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho DN hấp thụ và phát triển các công nghệ sản xuất mới; triển khai các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ, hỗ trợ các DN trong nước tăng cường năng lực cạnh tranh trong CMCN 4.0.

Hỗ trợ các DN thông qua việc cung cấp thông tin, đào tạo lao động, các chính sách hỗ trợ liên quan về đầu tư vào những lĩnh vực sử dụng công nghệ, triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng các mô hình cải tiến sản xuất, ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Ưu tiên phát triển các hạ tầng kinh tế số cho ngành công nghiệp và thương mại; triển khai các dịch vụ hỗ trợ để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của DN (bao gồm xây dựng mô hình DN số, đẩy mạnh ứng dụng quản trị thông minh trong quản lý, tổ chức hoạt động kinh doanh của DN).

Để nâng cao năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg, một số giải pháp trong thời gian tới cần được tập trung như sau.

Bộ Công thương tập trung triển khai một cách đồng bộ các nhiệm vụ đã được cụ thể hóa trong kế hoạch hành động của ngành, trong đó sẽ tập trung ưu tiên vào 6 nhóm nội dung như đã đề cập ở trên.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các NQ số 19-2017/NQ-CP, số 35/NQ-CP và số 36a/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của DN, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thu và phát triển được các công nghệ sản xuất mới; triển khai các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch để hỗ trợ DN phát triển. Trong năm 2017, Bộ Công thương đã triển khai rất quyết liệt nội dung này và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bộ Công thương sẽ tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhanh chóng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình/kế hoạch/đề án CMCN 4.0, tập trung vào việc nâng cao nhận thức, ứng dụng đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc CMCN 4.0. Thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty đã rất chủ động triển khai nhiệm vụ này, tuy nhiên, cần sự vào cuộc một cách đồng bộ và khẩn trương, quyết liệt hơn nữa.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia cho chuyển đổi số và mỗi ngành, trong đó có ngành công thương sẽ cụ thể thể hóa chiến lược cho ngành mình. Thành công của một số quốc gia hiện nay trong phát triển CMCN 4.0 như Đức, Mỹ, Nhật Bản hay nước láng giềng Thái Lan, đã chứng tỏ vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc dẫn dắt và hỗ trợ các DN trong tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, thông qua những chiến lược và chương trình cụ thể.

Gia Linh