Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chỉ thị nêu rõ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan toả của số hoá và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - Hình 1

Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Chỉ thị cũng nêu rõ chú trọng phát triển một số lĩnh vực trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông có vai trò then chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ưu tiên chú trọng phát triển nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin. Các doanh nghiệp viễn thông chú trọng hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G; có chính sách tiếp cận, nghiên cứu và phát triển 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương từ nay đến năm 2020 tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông trong phạm vi cả nước, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp; thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục dạy nghề. Ngoài ra, xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác; xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời rà soát các sản phẩm, lựa chọn sản phẩm chủ lực,... phù hợp xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác.

Theo dự báo, đến năm 2025, sẽ có 500 tỷ đồ vật, máy móc được kết nối Internet. Riêng thị trường Internet kết nối vạn vật sẽ đạt quy mô 1.300 tỷ USD trên toàn cầu trong vòng 3 năm tới. Lợi thế của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là nguồn nhân lực trẻ cùng đột phá về công nghệ thông tin.

Nguyễn Quyên