Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0, để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0.

Từ nhận thức đó, có cách ứng xử, có định hướng, tư duy phát triển phù hợp. “Cần phải nói cho mọi người biết rằng CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh.

Tại Diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/4 tại Hà Nội, các doanh nhân, chuyên gia kinh tế đã có những đánh giá về bản chất cuộc cách mạng nói trên và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Được gì và mất gì? - Hình 1

Ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể có tác động to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường toàn cầu, khu vực, trong từng quốc gia, đến từng doanh nghiệp. Ranh giới giữa các ngành công nghiệp truyền thống, ranh giới giữa các ứng dụng công nghiệp và phi công nghiệp có thể bị xoá nhoà. Không chỉ sản phẩm mà các dịch vụ cũng sẽ được tạo ra hàng loạt bàng phương pháp công nghiệp.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, đây là cuộc cách mạng công nghiệp chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, giúp năng suất tăng lên đáng kể nhờ khoa học kỹ thuật nhưng chu kỳ sản phẩm lại ngắn đi nhiều so với hiện nay… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi nhiều chính sách để thành công.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận định, lúc này khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam. Thứ hai, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam. Thứ ba là cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó, có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dự báo, với cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp lục len lỏi vào từng gia đình. Các thiết bị nhỏ nhất trong mỗi nhà cũng dần dần được kết nối Internet, thực hiện nhiều việc giúp đời sống mỗi người thuận tiện hơn. Tất nhiên, các doanh nghiệp phải ứng dụng cách mạng công nghiệp này vào kinh doanh để giúp giảm giá thành, làm cho tổng thể xã hội tốt lên.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, đối với riêng ngành dệt may, bà Huyền dự báo, đa số lao động ngành dệt may, da giày Việt Nam trong tương lai sẽ thất nghiệp do khả năng cạnh tranh của máy móc. 

Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam nhìn nhận, trong ngắn hạn, Việt Nam chưa thể bắt kịp, còn trung hạn vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi theo ông, về bản chất, muốn đón nhận thế nào còn phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách. 

Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam. “Muốn bắt kịp phải có sự đột biến, mà đột biến thì phải có điều kiện. Chỉ có Nhà nước mới tạo được đột biến”.

Minh Thúy