THCL  Chương trình tọa đàm “Nữ giới với công nghệ” do Microsoft Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức ngày 21/3, nhằm chia sẻ những cơ hội nghề nghiệp cho nữ giới hòa nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ.

Cơ hội cho nữ giới hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0 - Hình 1

Ảnh minh họa

Với những đột phá trong lĩnh vực kĩ thuật và chuyển đổi công nghệ số, cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học sẽ được mở rộng.

Theo tổng hợp báo cáo nhân sự năm 2014 từ 11 công ty công nghệ lớn nhất thế giới, số lao động nữ bình quân chỉ chiếm khoảng 30% và đặc biệt thiếu vắng ở các vai trò lãnh đạo, chủ chốt.

Cũng theo những khảo sát này, một trong những rào cản lớn nhất là do chính những “định kiến” của nữ giới, tự cản trở họ bắt đầu sự nghiệp trong ngành công nghệ. Nhằm tạo điều kiện và khích lệ các bạn nữ tiếp cận những cơ hội mới mẻ trong lĩnh vực công nghệ, Microsoft đã giới thiệu học bổng YouthSpark.

“Thông qua chương trình, chúng tôi muốn khuyến khích các bạn nữ vượt qua các rào cản về tinh thần và vật chất để theo đuổi niềm đam mê khoa học công nghệ của mình. Thực tế đã chứng minh rằng nữ giới đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho lĩnh vực STEM.

Ví dụ như nữ tiến sĩ Trần Hà Liên Phương nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal-UNESCO trao tặng vì đã có những phát hiện trong phương pháp điều trị ung thư; Giáo sư Thiên Văn học Lưu Lệ Hằng người Mỹ gốc Việt đã khám phá ra vành đai Kuiper với 70.000 thiên thạch, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái dương hệ.

Họ là những người phụ nữ đã góp phần thay đổi thế giới. Mong rằng các bạn nữ đừng ngại ngần, hãy vững chí theo đuổi ước mơ và đừng bỏ cuộc. Microsoft sẽ đồng hành và chắp cánh cho ước mơ của các bạn”, Tiến sĩ Daiana Beitler  chia sẻ.

“Quê em ở Nam Định, một ngôi làng nhỏ bình yên tại miền Bắc Việt Nam. Dù gia đình nghèo, kinh tế khó khăn nhưng bố mẹ vẫn luôn tạo điều kiện cho em học tập. Sinh ra ở một miền quê, nên trong suy nghĩ của một cô gái như em, CNTT không phải là ưu tiên trong lựa chọn học tập. Nhưng bố đã thay đổi suy nghĩ của em. Vì vậy, em đã bắt đầu tìm hiểu thêm và mắt em như nhòe đi khi khám phá ra rằng CNTT có thể làm được những điều kì diệu như kết nối con người, tạo ra các phần mềm, trò chơi... Tất cả những điều đó đã làm em hứng thú và tiếp thêm động lực để em tự tin theo đuổi ngành nghề này”, Phạm Thị Thu Hường (sinh viên Khoa CNTT, Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội) chia sẻ.

                                                                                                                                                                                PV