Ngày 25/8, Bộ Công Thương đã tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của Hiệp hội Mía đường Việt Nam và đại diện cho 6 công ty sản xuất đường mía trong nước.
"Theo cáo buộc tại Hồ sơ yêu cầu, đã có dấu hiệu về hiện tượng các sản phẩm đường mía của Thái Lan bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lẩn tránh qua một số các quốc gia ASEAN khác, bao gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar", Bộ Công Thương cho biết.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía với mức thuế CBPG là 42,99% và mức thuế CTC là 4,65%.
Kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đã có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua một số nước ASEAN. Kim ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN (ngoại trừ Thái Lan) tăng mạnh.
Theo Bộ Công Thương, các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thường có tính chất phức tạp, liên quan tới nhiều nội dung, quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Các nước cũng có quy định khác nhau về vấn đề này. Trong một số trường hợp, mặc dù hàng hoá đáp ứng đầy đủ các quy định về xuất xứ nhưng vẫn có thể bị coi là lẩn tránh.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 81 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định 10/2018/NĐ-CP), Bộ Công Thương đã xác nhận Hồ sơ yêu cầu đầy đủ và hợp lệ.
Theo quy định tại Nghị định 10/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thẩm định chi tiết hồ sơ yêu cầu để xem xét khởi xướng điều tra nhằm kịp thời có những biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo hiệu quả tổng thể của biện pháp cũng như lợi ích của ngành sản xuất đường mía và người nông dân trồng mía.
Trúc Mai