Khu vực biển dự kiến tiến hành nhận chìm vật liệu nạo vét được xác định là ngư trường khai thác thủy sản truyền thống của ngư dân các tỉnh ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh (các nghề lưới kéo đôi, kéo đơn, nghề lưới rê đáy, nghề lưới vây và nghề câu); có khoảng cách rất gần với khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiềm năng thuộc vùng biển ven bờ Nghi Xuân – Hà Tĩnh (khoảng 10km) là bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên của các loài hải sản vùng biển Bắc Trung Bộ. 

Bộ NN&PTNT không chấp nhận phương án nhận chìm chất nạo vét xuống biển Cửa Lò - Hình 1

Bộ NN&PTNT phản đối nhận chìm chất nạo vét xuống biển Cửa Lò

Vị trí khu vực dự kiến nhận chìm vật liệu nạo vét cách bờ biển khoảng 10km, độ sâu khoảng 15,39m, đây là vị trí không phù hợp để triển khai hoạt động nhận chìm vì khoảng cách này vừa gần bờ, vừa nông lại nằm ngay vùng cửa sông Lam.

Quan điểm của Bộ NN&PTNT là nên xem xét thêm các phương án khác để có sự so sánh, đối chiếu với phương án đang được đề xuất nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất, vừa đảm bảo được lợi ích của doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo được mục tiêu bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển cũng như sinh kế của cộng đồng ngư dân sống dựa vào nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản tại khu vực thực hiện dự án.

Trước đó, Bộ TN&MT có văn bản về lấy ý kiến khu vực biển để nhận chìm chất nào vét thuộc dự án nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải cảng Cửa Lò của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc.

Dự án đầu tư nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò được khởi công xây dựng từ 27-9-2014, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000DWT đầy tải hành hải ra vào cảng Cửa Lò an toàn, thuận lợi để nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa của cảng Cửa Lò đến năm 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và vùng phụ cận (vùng hấp dẫn của cảng Cửa Lò).

Theo Cục Hàng hải VN, dự án đầu tư nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò có tổng mức đầu tư 375.6 tỉ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư dự án giai đoạn 1 sẽ nạo vét luồng tàu có độ sâu âm 7,2m và đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu đồng bộ (trong đó, chiều rộng luồng tại đáy nạo vét 100m; chiều sâu chạy tàu 9,3m; mực nước chạy tàu 2,5m; cao độ đáy nạo vét -7,2m; bổ sung lắp đặt mới 2 bộ phao báo hiệu) với tổng kinh phí đầu tư là 179.3 tỉ đồng. Giai đoạn 2, xây dựng đê Nam dài 250m với tổng kinh phí là 196.2 tỉ đồng.

 Mạnh Hùng