Theo đại diện Bộ Tài chính, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng đã gây sức ép đến tình hình lạm phát trong nước trong 5 tháng đầu năm. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng giai đoạn năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của năm tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng giai đoạn năm 2021.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Tài chính cho rằng CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cũng tại cuộc họp, một số bộ, ngành cho rằng dư địa để điều hành giá trong thời gian tới còn rất thấp, nguy cơ lạm phát tăng cao là hiện hữu. Vì vậy, cần tập trung để bảo đảm cung – cầu, dịch vụ thiết yếu, điều hành chính sách tiền tệ để đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống người dân, đảm bảo quản lý giá, lạm phát.
Để ổn định giá cả trong nước và kiểm soát lạm phát, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022, tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Phương Thảo