Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để đạt được những kết quả tốt trong phục hồi kinh tế thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Theo đó, mặc dù là quốc gia tiếp cận nguồn vaccine muộn nhưng khi triển khai độ bao phủ vaccine lại rất nhanh, tiêm mũi 3 đến thời điểm tháng 03/2022 đạt độ bao phủ khoảng 60% bình quân, rõ ràng dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
Thứ hai, cùng với việc kiểm soát được đại dịch, nước ta đã mở cửa nền kinh tế lần hai đúng thời điểm. Thời điểm đó, Chính phủ đã thảo luận, liệu có tiếp tục duy trì công thức “một cung đường hai điểm đến” hay là “3 tại chỗ” hay không trong sản xuất công nghiệp, vì xác định công nghiệp vẫn là chủ lực, phòng chống dịch có hiệu quả trên phạm vi cả nước thì việc mở cửa lần hai nền kinh tế là vô cùng quan trọng.
“Chúng ta có được một hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu rất tốt, trong bối cảnh thế giới đứt gãy rất nhiều nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, như vậy nước ta đã mở cửa đúng lúc, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới”, ông Diên cho hay.
Nếu như năm 2021 là năm bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng cũng là năm đầu tiên trong lịch sử mà kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước đạt 658 tỷ USD, trở thành một trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Rõ ràng, thấy được năng lực sản xuất của nước ta lớn thế nào, chúng ta đã tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để phát triển tốt. Thống kê 09 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%, gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Mặc dù 10 ngày nữa mới hết tháng, đến ngày hôm qua, nhưng theo số liệu Bộ Công Thương, kim ngạch hai chiều đã đạt 620 tỷ USD. Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng số của năm 2021 và đến giờ này chúng ta xuất siêu gần 8 tỷ USD, đây là một kỷ lục.
Cũng theo ông Diên, hiện Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so 02 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước Đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam ta có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).
Bên cạnh đó, những mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu: Hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép. Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng ông Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
“Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao", ông Diên cho hay.
Đưa ra giải pháp, theo ông Diên cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu.
Phương Thảo (T/h)