Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, vào tháng 2/2019 – thời điểm dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam lần lượt là 46.151 đồng/kg và 51.750 đồng/kg; trong khi tại Trung Quốc cùng thời điểm là 41.230 đồng/kg.
Đến tháng 11/2019, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam lần lượt ở mức 66.500 đồng/kg và 63.500 đồng/kg. Trong khi giá lợn tại Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục là 137.238 đồng/kg.
Bảo đảm cung cầu thịt lợn dịp cuối năm
Lý giải hiện tượng giá lợn hơi tăng cao thất thường những ngày qua, Cục Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề làm cho tình hình phức tạp hơn. Trong đó, có hiện tượng găm giá, thổi giá do các thương lái nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung của các doanh nghiệp, buộc phải mua qua trung gian nên đẩy giá lên cao.
Cục Chăn nuôi lo ngại giá lợn hơi tăng quá nhanh sẽ gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng; đồng thời gây bất ổn, thiếu bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. Giá tăng, nông dân tái đàn bột phát, thiếu kiểm soát có thể gây dịch trở lại. Cùng với đó, giá tăng cao còn có khả năng tăng nhập khẩu thịt lợn, phá vỡ quy hoạch ngành chăn nuôi, đem thêm mầm bệnh vào.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. HCM cho biết, đến nay, giá lợn hơi bình quân khoảng 70.000 đồng/kg, mà thịt ba chỉ có nơi đã 200.000 đồng/kg. Do đó, có yếu tố trung gian. Trước đây, 1 ngày TP. HCM tiêu thụ 9.500 - 10.000 con, hiện nay chỉ 8.000 - 8.500 con, giảm 15%. Người bán lẻ phải bán tăng giá lên để bù đắp chi phí. Nếu doanh nghiệp hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới bán lẻ thì điều tiết được giá.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, nguồn cung của công ty tăng khoảng 10% đầu con so với cùng kỳ năm ngoái, hiện cung cấp thị trường khoảng 16.000 – 17.000 con/ngày; bán giá 68.000 đồng/kg; nhưng ngoài thị trường giá trên 70.000 đồng/kg.
Ông Vũ Anh Tuấn kiến nghị, các bộ ngành cần quyết liệt và thường xuyên trong kiểm soát lợn xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất.
"Trước đây, lợn nuôi 25-26 tuần thì xuất bán, nếu nuôi trên 30 tuần sẽ tăng 20-30% sản lượng thịt. Đây là giải pháp vừa có lãi cho người chăn nuôi, đồng thời nguồn cung sẽ tăng", ông Tuấn nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Chúng ta đã thủng mất 8,8% sản lượng thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi, trong hai tháng còn lại của năm 2019 và quý đầu năm 2020 nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Nếu không các các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.
Do đó, các bộ ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh tâm lý thị trường.
Trước mắt, Bộ trưởng cho rằng phải tăng nguồn cung, đó là các loại thực phẩm: thủy sản, gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng.
Về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, cần kiểm soát cả nhập và xuất, để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi cũng như an toàn dịch bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết sắp tới.
Hoan Nguyễn