Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Bộ Y tế đề xuất doanh nghiệp cùng đóng bảo hiểm y tế cho người thân lao động

Báo cáo Đánh giá tác động dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp trình Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất mở rộng diện bao phủ trong bối cảnh mới đạt 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng lên ít nhất 95%.

Theo Bộ Y tế, khoảng 8% dân số còn lại chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chủ yếu nhóm phi chính thức như người lao động trong doanh nghiệp, học sinh sinh viên, người tham gia theo hộ gia đình. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHYT, khi ốm đau mới mua, nhất là trong các hộ gia đình.

Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ và hướng tới BHYT toàn dân, Bộ Y tế đề xuất ba phương án mở rộng diện đóng.

Phương án thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số quy định về nhóm bắt buộc tham gia cho phù hợp thực tiễn, như làm rõ nội hàm các nhóm như học viên công an gồm người Việt Nam và người nước ngoài; con liệt sĩ gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp; tách cựu sĩ quan công an nghỉ hưu thành nhóm riêng để điều chỉnh mức hưởng. Với nhóm tự đóng BHYT, bổ sung người Việt Nam không có giấy tờ tùy thân, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, lao động nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng.

Bộ Y tế đề xuất DN cùng đóng BHYT cho người thân lao động
Bộ Y tế đề xuất doanh nghiệp cùng đóng BHYT cho người thân lao động.

Cập nhật một số nhóm như người nhiễm HIV, người dân các xã An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ (cơ sở của cách mạng trong kháng chiến) hiện thường trú tại địa phương đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú.

Bổ sung nhóm đóng đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội đang sửa đổi, như hộ kinh doanh có đăng ký, lao động có hợp đồng một tháng trở lên; người làm bán thời gian...

Đánh giá tác động của phương án này, Bộ Y tế cho biết giúp tăng nguồn thu vào Quỹ Bảo hiểm y tế, thêm kinh phí khám bệnh chữa bệnh BHYT cho cơ sở y tế; cải thiện chất lượng sức khỏe người dân. Đơn cử như bệnh nhân chạy thận mỗi năm đang được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 4,3 triệu lượt với chi phí 2.400 tỷ đồng. Nếu không thuộc nhóm đóng BHYT, bệnh nhân sẽ rất tốn tiền chạy chữa.

Phương án hai, ngoài các nhóm bổ sung như phương án một, Bộ Y tế đề xuất đưa thân nhân người lao động vào diện đóng bắt buộc. Nhóm này sẽ được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, 70% còn lại do người lao động đóng 1/3 và chủ doanh nghiệp chịu 2/3.

Ví dụ, theo quy định hiện hành, tiền đóng BHYT bằng 4,5% lương cơ sở thì người tham gia đóng tổng cộng 972.000 đồng. Với mỗi thân nhân, Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, tức 291.600 đồng; còn lại 680.400 do người lao động và chủ doanh nghiệp đóng. Giả sử người lao động có bốn người phụ thuộc gồm bố mẹ và hai con trên 6 tuổi, luật hiện hành quy định người lao động đóng 1/3 thì mỗi năm họ sẽ chi thêm 907.200 đồng; doanh nghiệp đóng 2/3 còn lại, tức 1.814.400 đồng.

Nhà nước đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân đóng BHYT một lần cho 3 năm để duy trì việc tham gia lâu dài vào Quỹ.

Bộ Y tế đánh giá phương án này mở rộng diện bao phủ, cải thiện sức khỏe người dân, góp phần tăng nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động. Quỹ Bảo hiểm y tế cũng có thêm nguồn thu, tính riêng quy định đưa thân nhân lao động vào diện đóng bắt buộc giúp tăng từ 1.159 tỷ đến 3.819 tỷ đồng. Nhà nước giảm gánh nặng chi phí để giải quyết các vấn đề xã hội sau này.

Tuy nhiên, phương án trên tác động lớn đến chi phí xã hội. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm ngân sách nhà nước chi thêm từ 348 tỷ đến 1.146 tỷ đồng nếu hỗ trợ 30% mức đóng cho thân nhân người lao động.

Doanh nghiệp mỗi năm tăng chi từ 541 tỷ đến 1.782 tỷ đồng, bù lại bớt gánh nặng giải quyết phát sinh của lao động như nghỉ phép chăm người nhà ốm. Khi người thân được BHYT chăm lo, lao động sẽ an tâm sản xuất và cống hiến cho doanh nghiệp. Thực tế, nhiều công ty khi tuyển dụng cũng nêu tiêu chí là đóng BHYT để thu hút ứng viên.

Nếu tạo cơ chế để người dân đóng BHYT một lần cho 3 năm cũng tác động đến doanh nghiệp trong trường hợp giới chủ phải trích đóng theo quy định. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ phải đóng trước phần chi phí theo định kỳ mà lẽ ra để dành đầu tư sản xuất. Song Bộ Y tế cho rằng luật sửa đổi có thể thêm quy định hỗ trợ miễn thuế một phần cho khoản chi phí này.

Mỗi năm, người lao động cũng trích thêm một khoản đóng BHYT cho người thân, song cơ quan soạn thảo đánh giá đây là khoản cần thiết. Bộ tính toán tổng chi phí sơ bộ số tiền chi thêm mỗi năm khoảng 270 tỷ đến 891 tỷ đồng. Song được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, người dân giảm gánh nặng tài chính khi khám chữa bệnh, từ 43% xuống 23% vào năm 2025.

Bộ Y tế cũng nêu rõ phương án này cần tính toán đến khả năng thu nhập của người lao động, phân loại thân nhân theo nhóm thu nhập để hỗ trợ mức đóng phù hợp và hiệu quả chứ không cào bằng.

Phương án ba, giữ nguyên các nhóm đóng như hiện hành và không bổ sung đối tượng mới vào diện tham gia. Nhà nước không phải tăng chi ngân sách, song sẽ đối mặt gánh nặng chi phí giải quyết vấn đề xã hội liên quan đến nhóm chưa có thẻ BHYT. Mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân khó đạt được.

Sau khi cân nhắc, Bộ Y tế lựa chọn phương án ba, tức giữ nguyên quy định hiện hành. Điều này phù hợp thực tiễn trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp và đảm bảo tiến độ sửa luật để kịp thời có hiệu lực vào năm 2025.

Riêng phương án hai với quy định bổ sung thân nhân lao động vào diện đóng BHYT được cân nhắc thực hiện trong lần sửa đổi tổng thể Luật Bảo hiểm y tế thời gian tới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 05/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Ngoài mở rộng diện đóng, Bộ Y tế đang đề xuất lộ trình nâng mức đóng BHYT từ năm 2025...

Minh Đức

Bài liên quan

Tin mới

Hơn 130 gian hàng tham gia lễ hội Bánh mì TP. Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2024
Hơn 130 gian hàng tham gia lễ hội Bánh mì TP. Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2024

Lễ hội Bánh mì TP. Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2024 đã thu hút 85 đơn vị và 131 gian hàng tham gia. 

Bước khởi đầu quan trọng định hướng xây dựng văn kiện trình Đại hội XIV
Bước khởi đầu quan trọng định hướng xây dựng văn kiện trình Đại hội XIV

Tại Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, dự thảo Đề cương các văn kiện trình Hội nghị lần này mới chỉ nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương cho ý kiến chỉ đạo,...

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Giải pháp nào để doanh nghiệp, người dân tiếp cận gần hơn với gói tín dụng?
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Giải pháp nào để doanh nghiệp, người dân tiếp cận gần hơn với gói tín dụng?

Tại phiên họp lần thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Vậy, giải pháp nào để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận gần hơn với gói tín dụng này?

Kinh tế Canada đối mặt nguy cơ suy thoái ra sao?
Kinh tế Canada đối mặt nguy cơ suy thoái ra sao?

Mặc dù nền kinh tế Canada vẫn được cho là sẽ bước vào suy thoái kỹ thuật trong năm nay, nhưng công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics tin rằng, tình trạng suy thoái có thể ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán.

Bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sau 3 ngày, từ ngày 16-18/5, làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng 18/5.

Tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định nêu rõ trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại.