Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm phòng bệnh bạch hầu (Ảnh: BYT)
Theo Bộ Y tế, tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vaccine bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng:
Tiêm các mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều, thường kết hợp trong các vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1: mũi thứ 1 tiêm lúc 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 lúc 3 tháng tuổi; mũi thứ 3 lúc 4 tháng tuổi. Tốt nhất nên hoàn thành mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi.
Tiêm nhắc lại: Mũi 4: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu nguyên liều, tiêm lúc 18 đến 24 tháng tuổi. Mũi 5: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 đến 7 tuổi. Mũi 6: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 đến 15 tuổi.
Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng: Tiêm các mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc vaccine bạch hầu giảm liều): Mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt; mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần; mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng.
Tiêm nhắc lại: Tiêm nhắc lại 2 mũi vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc vaccine bạch hầu giảm liều). Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.
Bên cạnh đó, bộ y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế để phòng, chống bệnh Bạch hầu như:
Đi tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.
Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Linh Tuệ