Theo đó, mục tiêu phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
Trong đó phạm vi, quy mô vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc tiểu vùng phía đông với trục hành lang phía đông nam, dọc Quốc lộ 51 gồm chuỗi các đô thị: Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu); trong đó, thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa là cực tăng trưởng.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ giao thương quốc tế phía Đông Nam của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung phát triển về công nghiệp (công nghiệp cảng, khai thác dầu khí), dịch vụ tiếp vận và trung chuyển, dịch vụ dầu khí gắn với trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51 và cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển – đảo; nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt nuôi trồng thủy sản.
Từ xác định mục tiêu, mô hình phát triển và cấu trúc không gian, việc quy hoạch phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu rõ định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị; định hướng phát triển công nghiệp; định hướng phát triển du lịch vùng; định hướng phát triển thương mại dịch vụ; định hướng phát triển y tế, văn hóa, thể dục thể thao; định hướng phát triển hệ thống giao thông và định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.
Việc ban hành điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tạo cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế thu hút và đa dạng hóa nguồn lực phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông, cấp nước, bảo vệ môi trường.
Thanh Huyền